Nghề chạm khắc gỗ, làm đồ sơn là một ngành nghề có truyền thống lâu đời của người Việt. Trong các ngôi mộ thời Đông Sơn (cách đây hơn 2.000 năm) khai quật được ở Việt Khê, Châu Can, Đường Dù, Xuân La, Minh Đức, Châu Sơn... đã phát hiện nhiều đồ sơn mang tính bản địa. Những phát hiện đồ gỗ sơn son cho thấy nghề chạm khắc gỗ sơn của Việt Nam đã có truyền thống lâu đời. Trong chiều dài lịch sử phát triển, đồ gỗ sơn thếp đã kế thừa, phát triển mạnh mẽ suốt thời kỳ phong kiến, tuy nhiên, rực rỡ nhất là thời Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII- XIX).
Hoành phi hình cuốn thư: “Học Bão Xa Tài” (Học rộng tài cao).
Gỗ sơn thếp. Năm Mậu Thìn (1928). (Ảnh: baotanglichsu.vn)
Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nỗ lực sưu tầm, lưu giữ, bảo quản những di vật đồ gỗ sơn thếp. Bảo tàng hiện đang lưu giữ một sưu tập đồ gỗ sơn thếp phong phú về số lượng, loại hình và niên đại. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu về các vấn đề lịch sử mỹ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc học, làng nghề truyền thống...
Trưng bày “Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng” giới thiệu gần 100 hiện vật đồ gỗ sơn thếp có niên đại thời Lê, Nguyễn, gồm các loại hình: đồ thờ, tượng thờ với đề tài trang trí tứ linh, tứ quý... Trong đó có những hiện vật độc đáo, quý hiếm lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng.
Các hiện vật là tượng thờ gồm: tượng Tam Thế phật, tượng phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng Hậu… Các hiện vật là đồ thờ như: hương án, khám thờ, ngai thờ, sập thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa, lỗ bộ, hoành phi câu đối… Ngoài ra, trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh liên quan đến nghề làm đồ sơn son thếp vàng.
100 hiện vật không chỉ là 100 câu chuyện lịch sử mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của nghệ nhân, chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng...
Trưng bày chuyên đề “Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng” góp phần tôn vinh bàn tay tài hoa, nghề thủ công truyền thống, những giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc, nét độc đáo, đặc trưng văn hóa Việt Nam đồng thời giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị hiện vật, từ đó, nâng cao ý thức cho công chúng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa này.
Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày 20/6 đến cuối tháng 11/2017.