Trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”

Thứ hai, 26/10/2015 19:50

(ĐCSVN) - Ngày 28/10, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”.

 Một trong số gần 100 linh vật được trưng bày.
 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp)


Linh vật (những con vật linh thiêng) là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo. Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.

Để nhân dân hiểu hơn về những “Linh vật Việt Nam”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày và giới thiệu 27 loại hình với gần 100 hiện vật tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng. Các loại hình linh vật tiêu biểu gồm: Vật tổ trong văn hóa Đông Sơn; hình tượng rồng; hình tượng kỳ lân; hình tượng rùa; hình tượng long mã; hình tượng phượng; hình tượng hạc; hình tượng cá hóa rồng; hình tượng ngựa có cánh; hình tượng chim thần Garuda; hình tượng si vẫn; hình tượng bồ lao; hình tượng thao thiết; hình tượng tiêu đồ; hình tượng tích tà; hình tượng rắn; hình tượng hổ; hình tượng chó; hình tượng voi; hình tượng khỉ; hình tượng uyên ương; sư tử - nghê; 12 con giáp.

Qua trưng bày hy vọng sẽ giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của linh vật Việt Nam cũng như diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của chúng, khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam từ đó nâng cao ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập linh vật Việt Nam hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực