Vấn đề cải biên từ các tác phẩm văn học Việt Nam sang điện ảnh

Chủ nhật, 25/12/2011 14:01

(ĐCSVN) - Lâu nay, văn học đã có mối quan hệ mật thiết với điện ảnh. Văn học là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh khai thác. Rất nhiều tác phẩm đã được cải biên, bởi lẽ, đối tượng trong cả hai loại hình nghệ thuật đó đều là con người, cuộc sống.

Vấn đề mà văn học đưa ra cũng là chủ đề mà các nhà làm phim hướng tới. Văn học có lợi thế hơn khi miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật, trong khi điện ảnh lại có lợi thế khi sử dụng được rất nhiều yếu tố nghệ thuật nhằm đem tới không chỉ nội dung, cảm xúc mà cả sự ấn tượng cho người xem. Trong truyện, ngôn ngữ của nhân vật có thể được mô tả cả trang, tâm lý nhân vật được miêu tả cả chương và thậm chí đến cả cuốn sách. Trên phim thì lại chú trọng động tác hành vi, ngôn ngữ phải đơn giản và phải được sinh động hóa. Vì thế, không phải bất cứ tác phẩm nào cũng được cải biên thành công. Có những tác phẩm được nâng cao hơn, mang nghĩa khái quát hơn, thu hút khán giả hơn bởi cách thể hiện đầy nghệ thuật. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm cải biên thất bại, không những không giúp truyền đạt nội dung mà còn làm ý nghĩa tác phẩm mất đi. Việc chuyển thể các truyện ngắn sang thành phim đòi hỏi một quá trình sáng tạo của người làm phim. Nó mang phong cách và thể hiện ý đồ riêng của đạo diễn. Mỗi đạo diễn có sự cảm nhận riêng để chọn lọc được những vấn đề ưng ý đưa lên màn ảnh. Tất cả chỉ là những sự chọn lựa, không có bất cứ nguyên tắc cứng nhắc nào. Tuy vậy, tất cả những tác phẩm chuyển thể đều có các yếu tố chung để đánh giá sự thành công của việc cải biên.

Sự cải biên có thể khiến cho tác phẩm điện ảnh mang tầm nghĩa sâu hơn tác phẩm văn học nguyên gốc như: “Tướng về hưu” của đạo diễn Khắc Lợi, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Phim không chỉ cho người xem thấy sự lạc lõng của người lính già trong xã hội mới mà còn cho thấy rõ sức mạnh, sự ngự trị của đồng tiền trong thời kì kinh tế thị trường, mặt trái của xã hội đương đại. Câu chuyện riêng của một gia đình đã trở thành một vấn đề chung của mọi gia đình, vấn đề của xã hội trong giai đoạn đổi mới tư duy về kinh tế. Ở “Thương nhớ đồng quê”- một truyện ngắn nữa của Nguyễn Huy Thiệp được đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa lên màn ảnh, đạo diễn đã đem đến cái nhìn sâu sắc hơn cho đời sống từng nhân vật. Vấn đề không nằm riêng ở mỗi người nông dân, mỗi hộ gia đình ở nông thôn mà nó là sự phổ biến trên mọi vùng nông thôn kém phát triển, đang chuyển mình một cách chậm chạp và sai hướng.

Cũng có những tác phẩm được cải biên, chủ đề được giữ nguyên từ văn học lên phim. Điều đáng tiếc là các đạo diễn đã không làm cho chủ đề ấy được nổi bật, rõ ràng. Ở “Trăng nơi đáy giếng”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã không làm rõ sự đau khổ của người phụ nữ bị chồng lừa dối như trong tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai. Cái nổi bật hơn trong tác phẩm này lại là chất Huế, tính cách con gái Huế mà đạo diễn đã nhấn mạnh. Với tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư - “Cánh đồng bất tận” – đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đưa nó đến gần với khán giả hơn qua việc chuyển thể từ truyện ngắn thành bộ phim cùng tên. Tuy nhiên, khi chuyển thể, tác phẩm điện ảnh lại mang tới một chủ đề tư tưởng riêng, khác với chủ đề của tác phẩm văn học. Cái đau đớn, cô độc của cảnh sống lênh đênh, sự khắc nghiệt của cuộc sống người nông dân được giảm thiểu, thay vào đó là sự khát khao thương yêu của các nhân vật.

Trong cả bốn phim kể trên, các đạo diễn đã rất tinh ý, chọn các tác phẩm có chiều sâu, chủ đề bao quát, trí tuệ, làm người xem phải suy nghĩ sau khi phim kết thúc chứ không chọn các tác phẩm với câu chuyện cá nhân cảm động nhằm lấy nước mắt, sự thương cảm của người xem. Các nhà làm phim cũng khéo léo chọn cho mình một chủ đề vừa phải, không đi vào những chủ đề quá lớn, số phận nhân vật quá phức tạp với nhiều sự kiện. Nhưng ta thấy rõ, không phải đạo diễn nào cũng thành công trong việc đưa chủ đề ấy vào phim của mình.

Cảnh phim "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. (Ảnh: anninhthudo) 

Hỗ trợ việc truyền tải chủ đề phim, kết cấu tác phẩm đóng vai trò quan trọng. Nó như lời kể chuyện, đưa truyện phim đến với người xem bằng cách kể riêng của đạo diễn. Đạo diễn có quyền sắp đặt mọi chi tiết trong tác phẩm, chọn lựa bất cứ chi tiết nào để đưa lên đầu phim. Có tác phẩm mà khi cải biên, kết cấu của nó được giữ nguyên như trong truyện. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm mà đạo diễn thấy phải thay đổi kết cấu. Không nói tới sự thành công trong cách thể hiện, mà kết cấu phim giống hay khác tác phẩm nguyên gốc là do ý đồ của đạo diễn, để phục vụ chủ đề tư tưởng mà phim muốn đem tới cho khán giả.

Việc cảm thụ được những chi tiết đắt giá, chọn lọc và đưa nó lên màn ảnh là sự thành công của đạo diễn khi đem bộ phim của mình đến với công chúng. Ở phim “Tướng về hưu” đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, đã khéo léo sử dụng những chi tiết có sẵn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp để khắc họa tính cách nhân vật cùng hoàn cảnh xã hội lúc đó. Nhân vật ông Thuấn hiện lên với sự lạc lõng, đáng thương rõ rệt. Chi tiết ông Thuấn chia đều quà cho mọi người cho thấy rõ tính cách và quan niệm sống của ông. Ông dành cả cuộc đời để chiến đấu, hi sinh cho sự bình đẳng giữa người với người, không còn phân biệt chủ tớ. Suy nghĩ của ông là suy nghĩ của một người lính, phù hợp với đời sống quân ngũ. Điều này giúp người xem hiểu được và cảm nhận sự đáng thương của ông khi không thể hòa nhập với xã hội đương đại. Lời ông Bổng – người em họ nói về cái chết nơi chiến trường “chỉ bòm cái là xong” khác và dễ dàng hơn rất nhiều so với cái chết ở thời bình, cái chết vì bệnh tật, vì tuổi tác, cũng phần nào cho thấy sự đối lập trong suy nghĩ người lính với suy nghĩ của những con người khác trong xã hội. Bên cạnh chi tiết giúp xây dựng hình tượng nhân vật ông Thuấn - người lính già, đạo diễn Khắc Lợi còn sử dụng các chi tiết đắt giá trong truyện để miêu tả thực trạng xã hội lúc đó.

 

Một cảnh trong phim "Cánh đồng bất tận". (Ảnh: dienanh) 


Cũng giống như “Tướng về hưu”, các chi tiết đắt giá có sẵn trong tác phẩm văn học đã được chọn lọc và thể hiện một cách thành công ở phim “Thương nhớ đồng quê”. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có điểm đặc biệt là ông rất hay đưa vào đó các bài thơ của mình. Các bài thơ không phải chỉ cho vào để làm phong phú tác phẩm mà nó giúp thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật. Nắm bắt được điều này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đẩy vai trò của nó lên cao trong phim ông. Nhân vật Nhâm với những suy tư của một cậu thanh niên 17 tuổi. Tuổi trẻ với bao hoài bão, sự ham mê tìm tòi khám phá bị chặn lại, bị bó buộc bởi sự nghèo nàn của những cánh đồng, sự tù túng trong cảnh sống thường ngày được khắc họa. Các bài thơ là một phần cuộc sống của Nhâm. Cậu chỉ có thể đưa những tâm sự, ước mơ, suy nghĩ, tình cảm của mình qua những bài thơ.. Trong thơ, cuộc sống cơ cực hiện tại bị lu mờ bởi những ý nghĩ, cám xúc của nhân vật. Nhân vật qua bài thơ của mình khao khát một sự vươn xa, thoát khỏi cảnh sống này. Đồng thời qua mỗi bài thơ, tuy hiện thực bị chất lãng mạn bao bọc, nhưng ta vẫn thấy xót xa, thương cảm. Những suy nghĩ về cánh đồng, về con người cứ theo câu thơ, làm day dứt trong lòng người xem...

Chuyển thể là một quá trình lao động và sáng tạo tích cực của các nhà làm phim. Song song với việc xử lý những chi tiết có sẵn là việc xây dựng những chi tiết mới. Những chi tiết này thể hiện rõ nét sự định hướng của tác giả vào chủ đề phim.

Việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang điện ảnh tức là việc chuyển thể từ ngôn ngữ biểu cảm này sang một ngôn ngữ biểu cảm khác là một việc vô cùng phức tạp. Quá trình này đòi hỏi sự nhạy bén, trình độ cảm thụ của nhà làm phim để có thể xử lý các chi tiết một cách có hiệu quả nhất; đồng thời, cũng cần tài năng của đạo diễn để sáng tạo ra các chi tiết đắt giá khác, góp phần tạo nên giá trị tác phẩm điện ảnh.

Mỗi tác phẩm điện ảnh mang phong cách riêng của mỗi đạo diễn và mỗi đạo diễn lại chọn cho mình những cách thể hiện khác nhau, nhằm hướng tới chủ đề đã chọn. Tất cả đều là những sự chọn lựa kỹ càng, đòi hỏi trình độ nhất định. Nhưng xét cho cùng, tất cả những sự cải biên đều phải làm nổi bật được những yếu tố: Những xung đột, bước ngoặt của nhân vật và sự kiện; những chi tiết phải được khai thác làm nổi bật tính cách nhân vật; yếu tố trữ tình và chất thơ cũng phải được chú ý tới để giúp mang lại cảm xúc cho phim./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực