Vở diễn Máu thuồng luồng hay "Cuộc chiến" trong mỗi con người

Thứ hai, 16/01/2012 18:31

Vở diễn mới Máu thuồng luồng vừa được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng, mang ý nghĩa triết lý nhân sinh với nhiều đổi mới, cải biên trong dàn dựng, nhằm thu hút người xem đến với sân khấu truyền thống. Mượn tích cũ để phản ánh những vấn đề xã hội đương đại, vở diễn còn là "cuộc chiến" bên trong mỗi người khi đứng giữa làn ranh mong manh của cái thiện và cái ác.

 

 Cảnh trong vở Máu thuồng luồng.

Vở diễn do NSND Lê Hùng đạo diễn từ kịch bản văn học của Phạm Văn Quý, chuyển thể tuồng Từ Hải Thành, với sự tham gia của nhạc sĩ NSƯT Trọng Ðài, họa sĩ Ðặng Minh Tuấn, biên đạo múa NSƯT Hương Thơm, Giám đốc Nhà hát Phạm Ngọc Tuấn chủ nhiệm chương trình. Nội dung vở kịch bắt đầu từ sự kiện con thuồng luồng tu luyện nghìn năm có được ngọc thiêng, thoát được thân xác con vật mà chuyển thành người, để bước vào một thế giới bấy lâu nó hằng khát khao, mong muốn. Tuy nhiên, khi đã bước chân vào xã hội loài người, thì ngay từ những bước đầu chập chững, nó đã bị nhiễm những thói hư tật xấu, tham lam độc ác của con người: ham mê gái đẹp, giàu sang, tiền bạc, trong đó đáng sợ nhất là thói ham muốn quyền lực. Cũng bởi vậy, bước chân vào thế giới loài người, thuồng luồng đã nhanh chóng biến chất và cộng hưởng cùng với dòng máu giống vật chưa hẳn thoát thai, khiến cái ác càng ngấm vào càng được nhân lên gấp bội. Vì ham muốn quyền lực để hưởng thụ các đam mê cá nhân, thuồng luồng đã tìm cách chiếm bằng được ngôi vua làm cho dân tình hoảng sợ, lầm than và điêu đứng.

Trước tình cảnh đó, tráng sĩ Văn Hiệp đã lên đường diệt trừ Vua Thuồng luồng ác gian, nhằm mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Bằng mưu mẹo, tài năng của mình, tráng sĩ đã giết được tên Vua Thuồng luồng độc ác. Nhưng oái oăm thay, khi giành được viên ngọc thiêng và đứng trên ngai vàng, trong sự tung hô của lũ quần thần xu nịnh, Văn Hiệp cũng nhanh chóng bị quyến rũ bởi nỗi đam mê quyền lực và nhiễm phải những thói xấu để lại trở thành một tên Vua Người, nhưng cũng chẳng khác gì Vua Thuồng luồng. Vở diễn kết thúc với bi kịch người cha già của Văn Hiệp phải gác tình riêng, xuống tay loại bỏ đứa con trai để trừ họa cho dân lành.

Vở diễn bao phủ trong những huyền thoại, mở màn bởi các sắc màu liêu trai, u ám của thế giới thủy quái bên vực sông, nhưng lại mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại, thể hiện cuộc đấu tranh ngàn đời nay của xã hội, giữa cái thiện và cái ác, giữa sự bao dung, nhân ái với thói u mê, tàn bạo và lòng tham không đáy. Ðó không chỉ là cuộc chiến của thuồng luồng với con người mà còn là cuộc chiến tự trong mỗi người khi đứng giữa ranh giới thiện - ác. Mang tính triết lý và những ý tưởng nhân văn sâu sắc, vở diễn mong con người hãy tránh xa cái ác, cảnh giác với đam mê quyền lực, giàu sang, bởi những thứ đó dễ làm biến đổi luân thường, đạo lý, hạ thấp nhân phẩm khi con người không có bản lĩnh để vượt qua; đồng thời chuyển tải một thông điệp: Ở đời cái ác là không thể vững bền cho dù nó có đứng trên đỉnh cao quyền lực và nhất định sẽ bị diệt trừ. Ðan xen trong huyền tích còn là hiện thực với những tệ nạn tiêu cực và sự xói mòn của đạo đức trong một bộ phận của xã hội hôm nay được lồng ghép, lên án qua các trường đoạn.

Có thể thấy thành công của vở Máu thuồng luồng còn thể hiện ở cách dàn dựng hấp dẫn của đạo diễn. Cải biên mà vẫn giữ được tính bi hùng và diễn xuất phù hợp đặc trưng của tuồng truyền thống, có sự bổ sung ấn tượng bằng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng điện tử. Trong đó, vũ điệu tuồng với những bước xiến, lăn lê và cả cách hóa trang của mặt nạ được sử dụng, tuân thủ một cách nghiêm ngặt, mang tính ước lệ, cách điệu để diễn tả nội tâm và hành động của nhân vật, qua đó góp phần lôi cuốn người xem, đậm chất tuồng, nhưng không gây nhàm chán.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực