Nỗi lo chồng chất nỗi lo
Với lợi thế về khí hậu, mặt nước và thị trường tiêu thụ ổn định, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy và sông Thái Bình phát triển mạnh, tạo thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, trong những ngày qua các hộ dân nuôi cá lồng dọc hai bờ sông đoạn qua các xã Nhân Huệ (Chí Linh) và Nam Tân (Nam Sách) như ngồi trên đống lửa. Bởi đồng loạt cá nuôi trong lồng của họ tự nhiên nhao đầu và nhiều loại cá trong số đó bị chết bất thường. Nhiều gia đình đã kịp thời dùng sục để tạo ô xy cứu cá, nhưng nhiều hộ đã không kịp trở tay khiến hàng tấn cả chết trắng lồng và nguy cơ gánh số nợ lên đến hàng tỷ đồng là rất cao. Những ngày này cả làng chài bên dòng sông Kinh Thầy dường như đã tắt đi nụ cười, chỉ còn đọng lại trong đôi mắt họ sự hốt hoảng lo lắng luôn hướng về dòng sông, nơi tài sản duy nhất của họ đang nằm dưới đó, cá có vấn đề đồng nghĩa với việc nguồn sống của gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng.
Theo chia sẻ của người dân, vào ngày 29 tháng tư vừa qua, cá trong lồng của các gia đình đồng loạt bỗng nhiên nhao lên để thở. Cao điểm nhất là vào ngày 1/5 cá đồng loạt nổi đầu, chồng chất lên nhau. Những con cá thương phẩm giá trị kinh tế cao trên thị trường đã đến kỳ thu hoạch, như chép giòn từ 3 tới 5 kg, trắm giòn từ 6 đến 7 kg, cá ngạnh sông bỗng dưng nhao nhược rồi chết trong vài giờ…
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Th, thôn Long Động (nhân vật xin giấu tên) một trong những hộ nuôi cá bị thiệt hại nằng nề nhất trong cơn nạn vừa qua. Đôi mắt và khuôn mặt của người đàn ông hằn lên sự mệt mỏi, gặp chúng tôi ông buồn rầu chia sẻ: Từ khi cá chết, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến việc khác. Toàn bộ vốn liếng đầu tư chúng tôi đều dồn vào vào các lồng cá. Mặc dù đã sục nước nhưng nhiều lồng cá vẫn bị chết. Ông Th kể: “Khi nhìn thấy cá như vậy, gia đình tôi đã khẩn trương bật máy bơm sục khí để tăng ô xi cho cá, đồng thời mượn thêm 30 máy bơm xăng loại nhỏ về bơm sục cứu cá. Bơm liên tục hết 200 lít xăng thì sự ô nhiễm mới giảm, tuy nhiên hơn 1 tấn cá đã chết. Từ khi nuôi cá đến giờ đây là lần đầu tiên gia đình tôi chịu thiệt hại nặng nề như vậy”...
Tương tự, tại gia đình ông Trần Văn TR, thôn Quảng Tân cũng chịu thiệt hại nặng nề. Gia đình ông có 28 lồng cá nhưng giờ đây số cá dồn lại chỉ còn khoảng 13 lồng, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Cá chết nổi đầy lồng hộ gia đình ông Th (Ảnh Hải Phong)
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Nam Tân Hoàng Văn Tân cho biết, khu vực xã Nam Tân có gần 60 hộ nuôi cá lồng với tổng số trên 1.200 lồng các loại trên tổng chiều dài 4.8 km đê. Đây là sinh kế chính của các hộ gia đình, nghề nuôi cá đã giúp cho nhiều hộ dân ở đây vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, sự cố vừa rồi đã khiến cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Sau khi có thông tin của người dân, lãnh đạo xã đã nhanh chóng xuống địa bàn chỉ đạo người dân nhanh chóng sục khí tạo ô xy cho cá, vận động người dân nhanh chóng chôn cất số lượng cá bị chết để ô nhiễm môi trường. Không chỉ các hộ dân nuôi cá trên sông Kinh Thầy bị hứng chịu thiệt hại, cùng thời điểm nhiều hộ dân ở xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà cũng có thấy hiện tượng cá nhao nhác nổi lên mặt nước và chết cục bộ ở một số hộ nuôi.
Ông Phạm Văn Tình Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.050 lồng nuôi cá, tập trung trên các sông Kinh Thầy, Thái Bình, Kinh Môn, là sinh kế của hàng nghìn hộ gia đình. Sau khi nhận được thông tin trên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã nhanh chóng xuống hướng dẫn người dân dọn sạch lồng, tăng cường không khí cho cá hô hấp và không cho cá ăn vào thời điểm cá bị nổi đầu. Đồng thời lấy mẫu nước đem đi xét nghiện tìm ra nguyên nhân cá chết.
Đến thời điểm hiện tại, thiệt hại đang được kiểm đếm nhưng theo ước tỉnh của người dân số lượng cá chết lên đến gần chục tấn. Đối với người dân thiệt hại lần này không chỉ số lượng cá chết, mà cạnh đó còn có một nỗi lo lớn không kém của họ nữa, là số cá chưa thu hoạch đang được người dân tiếp tục chăm sóc có nguy cơ sẽ bị một số tư thương “đục nước béo cò” ép giá.
Cần tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục
Sau khi có hiên tượng bất thường trên, hiện tại địa phương đang có rất nhiều nhận định, giả thiết được đưa ra khiến dư luận hoang mang.
Ông Nguyễn Văn Th cho biết, ngay khi cá có hiện tượng nhao đầu, ông đã lấy nước vào xét nghiệm, cho chỉ số ô xi trong nước bằng không. Còn các chất NH3+; NH4+; NO3- khi so màu theo hướng dẫn đều ở mức quá nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là môi trường chăn nuôi tại thời điểm đó đã bị nhiễm độc… còn nguồn nước nhiễm độc từ đâu thì gia đình ông chưa dám khẳng định.
Đa số người dân cho rằng, thời điểm cá chết là do “nguồn nước bị đầu độc” bởi các nhà máy thuộc khu vực thượng nguồn xả thải với một lượng rất lớn và khi nguồn nước này chảy tới đâu thì cá nổi lên và chết tới đó. Cũng theo lời kể của những người dân, đây không phải lần đầu tiên có hiện tượng này mà cách đây 4 năm, cũng vào ngày 28/4/2014, người dân cũng chịu thảm họa khi cá bị các nhà máy đầu độc. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng có một tiếng đồng hồ. Nước sông tự nhiên bốc mùi rồi cá, tôm chết trắng sông. Hầu như chẳng có gia đình nào kịp trở tay, nhưng sự việc đi vào quên lãng, người dân vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo về sự việc này….Giờ đây sự cố lại một lần nữa diễn ra đúng vào ngày nghĩ lễ, khiến cho nghi vấn một số nhà máy lợi dụng ngày nghỉ để xả thải càng được thêm củng cố.
Còn về phía chuyên môn, Phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện Nam Sách Nguyễn Quang Liêm cho rằng, cá nhao đầu và chết có thể là do nguyên nhân thời tiết hôm đó có nhiều bất lợi cộng thêm thủy triều đứng im do ít có thuyền bè qua lại như mọi ngày nên khiến dòng nước lặng, ô xy không hòa tan được. Còn theo ông Phạm Văn Tình Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, qua kiểm tra ban đầu có thể đánh giá cá chết không phải do phát sinh dịch bệnh mà do thiếu ô xy, điều này có thể thấy đối với các hộ nhanh chóng sục khí thì cứu được cá, còn các hộ cá chết nhiều do không có máy sục khí. Bên cạnh đó, có thể do người dân nuôi cá với mật độ dày, không thường xuyên dọn lồng, thức ăn dư thừa dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.
Tất cả vẫn chỉ là nhận định và phỏng đoán, tuy nhiên theo chúng tôi, những nghi ngờ đồn đoán của người dân không phải không có cơ sở, bởi dọc tuyến bờ sông kinh thầy và thượng nguồn sông Câu, sông Thương có rất nhiều nhà máy hoạt động ngày đêm với công suất lớn… do đó các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ những nghi vấn của người dân, cũng đồng thời là bảo vệ môi trường khu vực./.