Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của tỉnh An Giang rất thấp, toàn tỉnh có trên 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới. Tỉnh còn thường xuyên đối mặt thiên tai, dịch bệnh, sạt lở, xây dựng công trình phải bảo đảm vượt lũ, xử lý móng kiên cố nên chi phí cao. Xác định xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tỉnh An Giang đã tập trung phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu, qua đó động viên, khích lệ cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc.
Mỗi cán bộ từ xã đến các ấp, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đều là những tuyên truyền viên trong xây dựng nông thôn mới. Trong điều hành, tỉnh An Giang đã chọn những xã điểm, huyện điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương.
An Giang cũng xây dựng kế hoạch hàng năm, giai đoạn trên cơ sở nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở những nghiên cứu tổng hợp, đánh giá của các sở, ngành chuyên môn và theo yêu cầu thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo lộ trình, kế hoạch đề ra.
Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông thôn ở An Giang hiện đã được đầu tư đồng bộ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tính liên kết được nâng cao… Từ đó, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,38%), 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là TP.Châu Đốc và TP.Long Xuyên, cùng với đó là 1 đơn vị huyện nông thôn mới là Thoại Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Hiện tất cả 119 xã của An Giang có diện tích sản xuất nông nghiệp đều được tưới và tiêu nước chủ động, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh theo yêu cầu phòng chống thiên tai tại chỗ, 100% số xã đạt tiêu chí 3 về thủy lợi.
Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, giai đoạn 2010-2019, đã có có 1.430 tuyến đường đã được đầu tư với chiều dài 2.733km, 781 cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng, với 385 cầu bêtông cốt thép, 150 cầu treo, 195 cầu sắt và 51 cầu gỗ. Với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 5.518 tỷ đồng, đến nay An Giang cũng đã có 81 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông, chiếm 68,07%.
Dự kiến, hết năm 2019, toàn tỉnh An Giang có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 51,26%, tăng 48 xã so với giai đoạn 2011-2015 và hoàn thành mục tiêu chương trình sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh này đã huy động tổng nguồn vốn gần 14.789 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm gần 19%, ngân sách địa phương 26,5%, vốn lồng ghép các chương trình, dự án chiếm 14,3%, vốn vay tín dụng 15,9%, vốn huy động từ doanh nghiệp 12,8%, vốn cộng đồng dân cư đóng góp chiếm gần 10%../.