Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng về thực trạng tại một số đô thị, kể cả những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… có nhiều miệng cống, hố ga “bỗng nhiên” mất nắp. Điều đáng nói là không ít vị trí trong số này chỉ được che đậy một cách sơ sài, tạm bợ; thậm chí một số nơi còn không được che đậy, cảnh báo. Đây chính là những “cái bẫy” nguy hiểm với người tham gia giao thông. Nếu trời nắng, đường không có nước thì mọi người có thể nhìn thấy những vị trí hố ga, miệng cống không nắp để tránh, nhưng khi trời mưa, nhất là thời điểm đường bị ngập nước thì đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các vị trí này.
Chiếc xe ô tô bị sập bánh trước xuống hố ga mất nắp trên đường Nguyễn Chí Thanh
(Ảnh: Linh Nhi)
Cuối tháng 3/2018 vừa qua, người dân tham gia giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi xuất hiện một hố ga bị mất nắp ngay giữa đường gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, vào khoảng 8h sáng ngày 29/3, tại vị trí một hố ga bị mất nắp trên đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn giao nhau với đường Huỳnh Thúc Kháng), một chiếc ô tô con đã không may bị sập bánh trước xuống hố, phải nhờ lực lượng cứu hộ đến để cẩu lên. Sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông đã phải có mặt để phân làn giao thông tránh xảy ra ùn tắc; hố ga cũng được lấp lại bằng tấm kim loại lớn. Anh Chu Văn Hoàng, một người dân sinh sống gần vị trí nói trên cho biết: “Cũng may hôm đó là xe ô tô bị sập bánh, chứ nếu là xe máy hay các cháu nhỏ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?”.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp. Có thể do các công trình thi công dở dang, không bố trí nắp cống, nắp hố ga hay có thể do chất lượng nắp hố ga không đảm bảo dẫn đến tình trạng vỡ, nứt, sụt lún. Bên cạnh đó cần phải kể tới một nguyên nhân khác khá phổ biến đó là việc nắp cống, nắp hố ga bị kẻ xấu trộm cắp để bán kiếm lời… Song dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì việc tồn tại các vị trí hố ga, miệng cống thiếu nắp cũng luôn đe dọa đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông tại các khu vực này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại các đô thị lớn, việc quản lý nắp hố ga, miệng cống đang được giao cho khá nhiều cơ quan, đơn vị tùy thuộc vào từng loại hình cụ thể. Ví dụ tại Hà Nội, hố ga thoát nước trên địa bàn thành phố do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý; hố ga điện lực, viễn thông trên các tuyến phố lại do ngành điện, đơn vị viễn thông quản lý… Theo nhiều người, chính vì điều này nên đã xảy ra tình trạng khi người dân chẳng may bị tai nạn thì không biết kêu ai. Những hỏng hóc, mất trộm nắp hố ga tái diễn liên tục nhưng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm vẫn chưa thể đưa ra được biện pháp bảo vệ hợp lý, sửa chữa và thay thế kịp thời; do vậy đã gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện lưu thông trên đường. Điển hình như một số hố ga mất nắp tại khu vực đường Bằng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), mà theo phản ánh của người dân, những cái “bẫy” này đã tồn tại khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào sửa chữa, khắc phục.
Hố ga, miệng cống thiếu nắp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn (Ảnh: QM)
Ở một hướng tiếp cận khác, nhiều người cho rằng sẽ rất khó khăn khi xử lý các hậu quả mà người dân phải gánh chịu liên quan đến những ẩn họa từ các vị trí hố ga, miệng cống bị mất nắp. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện trong trường hợp xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, người bị tai nạn phải chứng minh được mức độ thiệt hại, xác định được đối tượng có trách nhiệm để khởi kiện... Trong đó, việc xác định người phải chịu trách nhiệm trực tiếp là vấn đề khá “nan giải” bởi tình trạng phân chia trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng tại nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đến tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp hoặc mất nắp.
Trước những ẩn họa từ các vị trí hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp, dư luận cho rằng, việc bổ sung những nắp hố ga, miệng cống bị thiếu chỉ là giải pháp mang tính tình thế; về lâu dài các cơ quan, đơn vị cần thống nhất, phân định rõ ràng về trách nhiệm quản lý đối với nắp hố ga, miệng cống theo hướng tập trung về một đầu mối quản lý chung. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tại các đô thị trong việc giữ gìn, bảo vệ nắp hố ga, miệng cống vì sự an toàn của chính mình. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc những đối tượng xấu có hành vi trộm cắp cũng như những cơ sở tiêu thụ nắp hố ga, miệng cống. Ở góc độ kỹ thuật, các cơ quan quản lý nên nghiên cứu, thiết kế nắp hố ga có khả năng chống trộm để hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp nắp hố ga, miệng cống. Trước mắt, trong điều kiện mùa mưa bão hiện nay, khi tham gia giao thông, mỗi người dân cần tăng cường quan sát, chủ động tránh những vị trí hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp để tự bảo đảm an toàn cho chính mình, tránh những tai nạn không đáng có./.