|
|
Chị Danh Thị Lên (bên trái) ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) có thu nhập ổn định từ nghề bán trái cây, được địa phương nhận đỡ đầu hỗ trợ vốn. |
Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2012 – 2018, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã đầu tư trên 123 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, duy tu sửa chữa và đào tạo cán bộ. Từ các nguồn vốn này đã giúp cho nhiều hộ Khmer có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và cuộc sống ổn định và phát triển hơn. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer còn được ưu tiên chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, được vay vốn ưu đãi, kéo điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Một trong những kết quả thể hiện rõ nhất minh chứng cho sự phát triển trong đồng bào Khmer là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua những năm gần đây.
Theo ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Từ đầu năm 2019 đến nay, những công trình, phần việc chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ III, đã tăng lên nhiều tỷ đồng. Đó là 70 căn nhà tình thương đã được khởi công xây dựng ở khắp nơi trong tỉnh dành tặng các hộ DTTS nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Tất cả đều do Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh vận động các nhà hảo tâm tài trợ, mỗi căn trị giá từ 30 – 50 triệu đồng. Không chỉ hỗ trợ nhà giúp bà con an cư, lạc nghiệp, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh còn vận động tặng 5.000 phần quà (mỗi phần trị giá từ 300.000 – 400.000 đồng) cho cộng đồng người DTTS; tặng 40 chiếc xe đạp (mỗi chiếc 1,3 triệu đồng), 6.000 quyển tập cho con em đồng bào DTTS nhằm tiếp sức các em đến trường vào đầu năm học mới 2019 – 2020. “Ngoài ra, còn có đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.000 lượt người nghèo DTTS trong tỉnh. Song song đó, còn có 3 cây cầu bê tông đã được khởi công xây dựng tại huyện Hồng Dân, Đông Hải và TX. Giá Rai, mỗi cây cầu trị giá 60 – 130 triệu đồng, mang đến niềm vui, sự phấn khởi trong đồng bào DTTS khi việc đi lại, giao thương hàng hóa và học hành của con em địa phương được thuận tiện hơn. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn cùng với sự hỗ trợ kịp thời của địa phương, cộng với ý thức vươn lên của đồng bào Khmer, nên trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 1.616 hộ nghèo (chiếm 10,1%)” – ông Duyên nói.
|
|
Diện mạo phum sóc ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đang khởi sắc, nhờ những chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đang phát huy hiệu quả. |
Hưng Hội là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất của huyện Vĩnh Lợi (chiếm trên 67%). Đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở đây được cải thiện qua từng năm, số hộ nghèo từ 338 hộ đầu năm 2016 giảm còn 75 vào đầu năm 2019. Chủ tịch xã Hưng Hội, ông Lâm Anh Tuấn cho biết: Những chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc Khmer trong phát triển hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, hỗ trợ học phí… đã có tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Chỉ tính riêng Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) đã đầu tư gần 1,1 tỷ đồng xây dựng 5 tuyến lộ bê tông và một cống thoát nước, đầu tư phát triển sản xuất cho 101 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có các chính sách về phát triển nguồn nhân lực; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội… Qua đó, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể nói, đồng bào dân tộc Khmer ở Hưng Hội đã được nhận các chính sách hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Ông Thạch Cưng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, khẳng định “các chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua đã hỗ trợ, giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo. Xã cũng thực hiện rất tốt các chính sách này”. Cách đây 3 năm, cuộc sống của gia đình anh Thạch Sáu ở ấp Đay Tà Ny, xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) rất khó khăn, vợ chồng anh làm thuê quanh năm vẫn không đủ sống. Song, nhờ chính quyền quan tâm, giúp anh tiếp cận các nguồn vốn vay nên anh có tiền thuê đất làm ruộng và đầu tư trồng rẫy. Nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống. Anh Sáu chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước nên cuộc sống gia đình tôi giờ đây đã ổn định. Năm 2017, thấy căn nhà của tôi xuống cấp, chính quyền xã hỗ trợ tôi cất nhà tình thương. Khi được an cư lạc nghiệp thì chúng tôi yên tâm lao động sản xuất và nâng cao đời sống”.
Những nơi có vốn Chương trình 135 đầu tư thì đường giao thông nông thôn nơi đó khang trang, thông suốt, con đường đến trường của các em học sinh cũng thuận tiện hơn, không còn cảnh lầy lội khi băng qua những con đường đất trong những tháng mưa về.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói: “Những năm gần đây, nhất là từ khi các chương trình mục tiêu của Chính phủ đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống bà con không ngừng phát triển. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn ưu tiên, quan tâm đầu tư, hỗ trợ vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương luôn kịp thời triển khai nhiều công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các ấp, các xã đặc biệt khó khăn từ các Chương trình 135. Các chính sách hỗ trợ kịp thời gắn liền với những nhu cầu cấp thiết của bà con. Giờ đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ở Bạc Liêu ổn định hơn trước.
Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp ưu tiên đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và chính tinh thần hăng say lao động sản xuất của các gia đình đã đem lại cuộc sống mới phát triển hơn. Đây sẽ là niềm tin, động lực để mọi người, mọi nhà tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, cùng chung tay xây dựng, phát triển gia đình, phum, sóc ngày thêm giàu đẹp hơn./.