Nuôi tôm hiệu quả kinh tế cao ở Phước Long (Ảnh: K.V)
Theo đó, huyện Phước Long đã cơ bản khắc phục xong một số vướng mắc trong việc xây dựng nông thôn mới, cụ thể huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã khắc phục xong tình trạng xả rác thải bừa bãi ở một số khu vực. Đồng thời, chỉ đạo các xã vận động nhân dân trồng cây xanh, hoa bổ sung ven các tuyến đường nông thôn. Vấn đề nợ tồn đọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương này cũng đã giải quyết xong.
Kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Phước Long đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, đó là 7/7 xã được tỉnh Bạc Liêu công nhận xã nông thôn mới. Xây dựng được trên 545 km giao thông đường nhựa và bê tông cốt thép; 14 km bờ kè được xây dựng kiên cố, xây dựng 18 trạm bơm điện, nạo vét được 103 kênh thủy lợi, 161 kênh thủy nông nội đồng.
Đồng thời, hiện Phước Long có hơn 24.000 hộ sử dụng điện an toàn, chiếm 99%; có 29/44 trường đạt chuẩn quốc gia và 9 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,61%; có hơn 17.500 căn nhà đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 72,25%; xây dựng được 31 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.185 ha…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết "Đẩy mạnh phát triển kinh tế từ nay đến năm 2020". Trong đó tập trung vào 4 nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp; thương mại, dịch vụ - du lịch; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và điện lực; xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đến nay, nhờ áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đưa vào sản xuất trên cả hai vùng sinh thái nên có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cho người nông dân. Bên cạnh đó, để tạo thu nhập ổn định cho người dân, từ năm 2017 - 2020, huyện Phước Long tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bền vững.
Đối với vùng chuyển đổi, huyện Phước Long tập trung chỉ đạo các mô hình sản xuất kết hợp nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế như tôm - lúa, tôm - cá, tôm - cua. Để khai thác tốt vùng chuyển đổi này, huyện cũng sẽ cho mở rộng mô hình tôm - lúa từ 9.500 ha như hiện nay lên 15.000 ha vào năm 2020.
Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và điện lực, trước mắt Phước Long chú trọng ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nhất là công nghiệp chế biến nông sản - thủy sản; phát huy các cơ sở sản xuất hiện có, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển các cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất, chế biến.
Trong thời gian tới, Phước Long sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi. Tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, lắp đặt, hạ thế các trạm bơm, xây dựng hoàn thiện các ô đê bao khép kín, bảo đảm kiểm soát mặn, giữ và dẫn nước phục vụ tốt các tiểu vùng sản xuất.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với quốc phòng - an ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch chi tiết các xã theo mô hình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Được biết, Phước Long là 1 trong 5 huyện của cả nước được Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Hiện, Huyện Phước Long đã hoàn thiện báo cáo xin ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban ngành đóng góp nhằm hoàn thiện hồ sơ để Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu trình Trung ương cuối năm 2017 công nhận Phước Long đạt chuẩn huyện nông thôn mới./.