Bài 1: TP. Hồ Chí Minh loay hoay chống ngập

Thứ hai, 22/06/2020 12:18
(ĐCSVN) – Từ đầu mùa mưa đến nay, sau 4 trận mưa lớn, người dân TP.Hồ Chí Minh lại bì bõm trong nước, các khu vực như đường Song Hành, vòng xoay An Lạc, đường Hồ Học Lãm, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Lê Văn Lương… là những điểm ngập nặng, đó là chưa tính đến hàng nghìn các điểm ngập khác, là những tuyến hẻm nhỏ trên địa bàn Thành phố.

Bài ca muôn thuở

Đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 ngập nặng. (Ảnh: K.V) 

Theo Trung tâm chống ngập TP. Hồ Chí Minh, năm 2020, TP còn 22 điểm ngập khi mưa lớn xảy ra. Những dự án và phương thức chống ngập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được chia làm 2 loại. Đó là các dự án lớn, được TP giao trực tiếp cho Trung tâm chống ngập của Thành phố điều hành, xử lý từ khâu đề xuất tới thực hiện dự án giải quyết. Còn lại là các dự án chống ngập ở tuyến hẻm nhỏ được giao cho các quận, huyện phối hợp với người dân cư trú tại đây xử lý.

Thống kê sơ bộ cho thấy, TP. Hồ Chí Minh có khoảng trên một nghìn con hẻm thường xuyên ngập nước vào mùa mưa. Trong đó các địa phương có số tuyến hẻm ngập nhiều như huyện Hóc Môn - 95 tuyến hẻm bị ngập; quận Thủ Đức - 368 tuyến bị ngập; quận Phú Nhuận có 44 tuyến bị ngập.v.v. Ông Lê Xuân Đỉnh, người dân quận Tân Phú cho hay, thời gian gần đây, hễ cứ mưa là hẻm số 10 trên trên địa bàn quận này bị ngập sâu. Người dân nhiều lần sử dụng máy bơm để bơm hút nước nhưng không hết vì hẻm thấp hơn đường quá nhiều.

Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến hẻm khác. TP. Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa, và nỗi ám ảnh phải sống chung với ngập của người dân TP cũng vì thế mà bắt đầu. Những trận mưa lớn kéo dài, cùng với triều cường, khiến nhiều tuyến phố tại quận 2 - khu vực An Phú, nút song hành xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Hưởng; hay các khu vực thường xuyên ngập như khu vực quận Thủ Đức… Sau những trận mưa lớn ở TP. Hồ Chí Minh mới nhận thấy nỗi khó khăn, vất vả khi tham gia giao thông trên những con phố thường xuyên ngập sâu.

Hình ảnh người dân bì bõm với nước để trở về nhà sau giờ tan tầm hay những chiếc máy bơm được nhiều hộ dân đầu tư để tự chống ngập chạy hết công suất, tuy nhiên vẫn bất lực không ngăn nổi nước tràn vào nhà, làm hư hỏng tài sản, đảo lộn cuộc sống cả một tuyến phố đông đúc. Nước dâng cao khiến việc kinh doanh của nhiều hộ dân gặp khó khăn. Không những vậy, sau khi nước rút, mùi hôi thối của rác từ cống là nguy cơ tiềm ẩn gây ra các bệnh về hô hấp cho trẻ em, người già. Câu chuyện tưởng như rất khó chịu, nhưng với người dân ở những tuyến phố ngập này mọi thứ đã dần trở thành thói quen. “Ngập mãi thành quen, ai muốn sống ở nơi mà cứ mưa đến là nước tràn vào nhà, đồ đạc hỏng hết… nhưng biết làm sao, đành phải tập dần việc tự bảo vệ đồ dùng của gia đình. Đa phần các hộ dân đều căn được giờ sẽ có mưa và triều cường để chủ động chuyển đồ tránh ngập, đầu tư tôn nền nhà lên cao hơn nền đường để ngăn nước, chứ biết làm sao bây giờ”- chị Nguyễn Thị Thu Hà ở đường Nguyễn Hữu Cảnh chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Mai ở quận 4 cho biết: Mưa lớn gây ngập khiến việc buôn bán trở nên ế ẩm, cuộc sống khó khăn hơn, nhất là những tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc buôn bán của gia đình bà bị ảnh hưởng, nay lại sắp đến thời điểm sáng ngập, chiều tối ngập, không biết cuộc sống sẽ thế nào? Không chỉ các con hẻm nhỏ ngập, các đường lớn cũng trong tình trạng ngập úng nặng mỗi khi mưa lớn. Mới đây, trận mưa lớn kéo dài gần 1 giờ đồng hồ đã khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh nước ngập như sông, giao thông tê liệt, đoạn ngập nặng tập trung khu vực chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh và trước toà nhà The Manor trên tuyến đường này thuộc địa bàn quận Bình Thạnh. Tại những khu vực này, nước ngập đến gần yên xe máy, sóng cuồn cuộn mỗi khi có xe ôtô chạy qua. Giao thông qua đoạn ngập rối loạn khi xe chết máy la liệt, hàng nghìn người bị mắc kẹt bởi dòng xe chật cứng khi đến giờ tan tầm. Không chỉ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, tại các quận Bình Tân, Tân Phú..., hàng loạt tuyến đường ngập sâu, xe chết máy la liệt. Đường Phan Anh, quận Tân Phú giáp quận Bình Tân, nhiều đoạn nước ngập gần hết bánh xe, giao thông tê liệt.

Trước đó, trận mưa lớn đầu mùa trút xuống TP. Hồ Chí Minh đã khiến cho nhiều khu vực ở quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn..., ngập mênh mông nước. Trước thực trạng này, người dân TP. Hồ Chí Minh chỉ còn một cách là sống chung với ngập, tạo thói quen thích nghi với những trận mưa lớn, triều cường…

Úng ngập do đâu?

Người dân TP. Hồ Chí Minh vất vả tham gia giao thông giờ tan tầm

trên con phố chìm sâu trong nước. (Ảnh: K.V)

Có nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng trên, trong đó có việc quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các khu đất trống dần được bê tông hóa, nhiều con suối, kênh, mương, rạch thoát nước bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở dẫn đến tình trạng mất đi dòng chảy tự nhiên, mưa bao nhiêu là nước đổ hết ra đường. Trong khi hệ thống cống thoát nước tại nhiều tuyến đường còn nhỏ, hẹp, bị tắc nghẽn bùn, rác. Công trình hạ tầng đô thị không được đầu tư đúng mức; việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn dòng chảy vẫn còn nhiều dẫn đến nước thoát không kịp, gây ra ngập trên diện rộng là điều khó tránh khỏi.

Có thể thấy, tình trạng ngập nước tại các tuyến hẻm đã ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân, thậm chí còn gây hư hỏng đồ đạc, vật dụng, nhất là phương tiện như xe gắn máy, ô tô. Nguyên nhân khiến TP. Hồ Chí Minh có nhiều tuyến hẻm bị ngập cũng bởi công tác chống ngập chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Những dự án nâng đường khiến cho nhà dân thấp hơn nền đường đã khá phổ biến. Ngoài các dự án công cộng thì nhiều dự án tư nhân cũng có tác động lớn tới tình trạng ngập nước tại tuyến hẻm. Theo đó, nhiều công trình tự phát, công trình sai phạm, trái phép… được xây dựng không theo thiết kế chung, không có quy hoạch chung ảnh hưởng đáng kể tới tình trạng thoát nước tại các tuyến hẻm.

Thực tế, trước mỗi mùa mưa, các ngành chức năng đều có kế hoạch chủ động ứng phó, đẩy mạnh công tác duy tu, nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước nhằm bảo đảm dòng chảy thông thoáng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng cũng như kịp thời yêu cầu dỡ bỏ, đình chỉ thi công các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến thoát nước là những giải pháp chống ngập hữu hiệu. Dù vậy, không có nghĩa là trách nhiệm đặt hết vào các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Ở một góc nhìn khác, cần xác định việc chống ngập là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi thực tế, ngoài bùn đất bồi lắng thì nhiều hệ thống thoát nước, hố ga ở TP. Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên phải tiếp nhận một khối lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ do những người thiếu ý thức xả ra làm ách tắc dòng chảy.

Có thể thấy, giảm ngập nước trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện nay đang là vấn đề cấp bách, đây cũng là một trong những chương trình đột phá mà TP xác định phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP đã xây dựng các giải pháp để giải quyết tình trạng ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

TP cũng tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, ưu tiên đầu tư các công trình chống ngập do triều cường. Tăng cường công tác quản lý, xử lý cấp bách các điểm ngập do hệ thống cống cũ bị hư hại; bổ sung ngăn triều, nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả...; quyết liệt xử lý công trình lấn chiếm kênh rạch, nạo vét khơi dòng chảy, đồng thời lắp đặt trạm bơm phụ trợ để việc thoát nước được tốt hơn…/.

(Còn tiếp)

K.V- Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực