|
Nhờ hiệu quả từ những chương trình giảm nghèo mà nhiều ngôi nhà mới của người dân vùng cao không ngừng được xây dựng khang trang hơn (Ảnh: Trần Quỳnh). |
Đã có những thay đổi lớn về chủ trương giảm nghèo
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Từ năm 2021, Chương trình chắc chắn sẽ có những sự thay đổi về quy mô, nội dung thực hiện. Bởi vì ngày 19/6/2020, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc cho biết, sau quyết định của Quốc hội, Chương trình 135 - Dự án 2 trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ trở thành Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh; nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn nằm trong diện thụ hưởng Chương trình 135 sẽ chuyển thành Dự án Khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nước ta thời gian qua được thiết kế theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ. Đây là sự nhân văn, ưu việt của chế độ ta nhưng điều này cũng khiến hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc, có nơi phản tác dụng, tạo cớ cho người nghèo lười lao động. Nhóm nghiên cứu: PGS.TS Trần Đình Thao, TS. Hồ Ngọc Ninh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vì có quá nhiều chính sách ưu đãi với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, một số ít còn lười lao động.
Bởi vậy, đã có sự đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính, tức là vận hành chính sách theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào và coi đây là mũi đột phá trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực, hướng dẫn. Bản thân người nghèo phải chủ động vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
... nhưng vẫn cần những đổi mới về chính sách giảm nghèo sau năm 2020
Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới yêu cầu: “Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, để biến thách thức thành cơ hội, đạt được các mục tiêu “kép” trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, công tác giảm nghèo trên phạm vi các vùng miền, đối tượng khác nói chung trong giai đoạn mới sau năm 2020, vai trò điều tiết của Nhà nước cần được thể hiện ở những giải pháp sau:
Thứ nhất, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tư nhân.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa yêu cầu: “Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.
Vận dụng quan điểm của Bác Hồ và của Đảng ta, có thể hiểu nếu kinh tế hộ gia đình dân tộc thiểu số khá giả thì kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới phát triển. Kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển thì sẽ góp phần làm cho nền kinh tế đất nước phát triển, đúng với quan điểm, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Do đó, các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm kinh tế hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số chính là kim chỉ nam để Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, thể chế hóa thành cơ chế, chính sách cụ thể, từ đó khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hộ chính là thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững giai đoạn sau 2020 ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai, trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, cần thiết phải có những đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo.
Thực tế giai đoạn 2016 - 2020, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nguồn lực đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới là gần 105 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 74% là vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với lý lẽ là để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số thì hạ tầng phải đi trước một bước.
Vấn đề là sau khi phân bổ kinh phí rất lớn cho đầu tư hạ tầng nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 3,5 lần mức bình quân chung của cả nước (nguồn “Báo cáo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019”). Như vậy, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới vẫn cần được quan tâm nhưng nên ưu tiên phát triển giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc để kết nối vùng dân tộc thiểu số với các vùng phát triển. Song rõ ràng hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà cốt lõi nhất là phải thiết kế được những chính sách “mềm” dựa trên nhu cầu của người dân để đưa mức thu nhập của hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo.
Như đã phân tích ở các bài trước, đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu bằng nguồn lợi từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tiến sĩ Obert Pimhidzai - Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới công bố một phân tích của ông cho thấy khoảng 40% người dân tộc thiểu số nước ta phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp và không có cơ hội làm việc trong các lĩnh vực khác.
Tuy sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng phương thức sản xuất của đồng bào lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên mức độ rủi ro rất cao. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản không còn hộ đói kinh niên nhưng số hộ đói giáp hạt hoặc đói do hậu quả thiên tai thì vẫn còn. Thống kê của Ủy ban Dân tộc cho thấy trong 3 năm từ 2016 - 2018, Chính phủ đã phải xuất cấp hơn 120 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt cho nhân dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Những khu dân cư, khu đô thị ở miền núi đang ngày càng được đầu tư xây dựng phát triển khang trang, hiện đại theo những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Hiện nay, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang hiện hữu ngày càng nhiều và rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, thể hiện rõ nhất ở hai khía cạnh: Năng suất giảm và thu hẹp diện tích đất canh tác. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất sản xuất quý hơn vàng vì liên quan trực tiếp đến sinh kế. Số liệu từ 42 tỉnh có báo cáo gửi Ủy ban Dân tộc để phục vụ việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, cuối năm 2019) thì cả nước còn gần 83.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu tư liệu sản xuất rất quan trọng, đó là đất sản xuất, với diện tích cần 29.593 ha. Thiếu đất sản xuất là không có điều kiện phát triển sinh kế, ảnh hưởng tới thu nhập của các hộ gia đình và rộng hơn là ảnh hướng tới kết quả giảm nghèo của các địa phương.
Do vậy, trong những giai đoạn tới, vấn đề cơ bản cần thiết kế trong chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển ổn định sinh kế là: Giải quyết cơ bản vấn đề thiếu đất sản xuất bằng cách hỗ trợ đất sản xuất hoặc chuyển đổi sinh kế cho các hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Điều chỉnh quy hoạch ngành nông, lâm, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của địa phương để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, sản phẩm đặc sản. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nghèo để họ áp dụng vào sản xuất nông lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nghèo dân tộc thiểu số để họ có thể tìm kiếm các việc làm mới trong các lĩnh vực hoạt động phi nông nghiệp. Phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương (sử dụng kiến thức bản địa, sản phẩm bản địa, sản phẩm có tiềm năng phát triển) và sinh kế từ việc làm phi nông nghiệp có tiền lương, làm thuê (thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin về thị trường lao động, hạn chế rủi ro, kết nối giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số ở các thị trường tốt, có tiềm năng).
Trong xây dựng, thiết kế chính sách, cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo, bởi khoảng cách giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là rất mong manh. Chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng có thể làm cho hộ mới thoát nghèo quay trở lại thành hộ nghèo. Song song với đó, cần quan tâm hơn nữa tới tỉ lệ 10 - 15% những hộ không phải là hộ nghèo, nhưng sinh sống trong khu vực những hộ nghèo, để những hộ này vươn lên làm hạt nhân, truyền cảm ứng cho những hộ nghèo xung quanh học tập và liên kết với nhau cùng thoát nghèo.
Thứ ba, đổi mới công tác tổ chức, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo ở cấp xã.
Sự đổi mới trong công tác tổ chức, thực hiện chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo có thể xem xét theo hướng huy động sự tham gia của các đối tượng hưởng lợi chính sách trong việc xác định khả năng thoát nghèo của từng hộ; xác định nhu cầu hỗ trợ của từng hộ để phát triển sản xuất và từng bước thoát nghèo; huy động sự tham gia của hộ nghèo trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền cấp xã với các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo tại địa phương. Thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát để kịp thời uốn nắn các sai phạm, khuyết điểm, điều chỉnh các phát sinh cho phù hợp với thực tiễn cũng như phát huy những kết quả tích cực đã đạt được.
Trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ giảm nghèo ở cấp xã là nhân tố ảnh hưởng lớn đến tổ chức triển khai và hiệu quả chính sách giảm nghèo. Do đó, cần tập trung đào tạo cho đội ngũ này kỹ năng điều tra, phân loại hộ nghèo theo các nguyên nhân nghèo; kỹ năng tuyên truyền, vận động người nghèo tham gia và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo; kỹ năng lập các dự án giảm nghèo ở địa phương; kỹ năng tư vấn cho hộ nghèo xây dựng các phương án thoát nghèo và kỹ năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã trong việc lập kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.
Thứ tư, mở rộng danh mục và tăng kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo chiếm 18,8% tổng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Mức kinh phí này còn khiêm tốn so với mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đã nêu ở trên nhưng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giảm nghèo bền vững của từng hộ dân. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên nghiên cứu, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia xem xét nâng mức vốn phù hợp, đủ lớn để bố trí cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hoặc nhân rộng các mô hình có khả năng giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu đất sản xuất để giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, mở rộng phạm vi hỗ trợ tới nhóm hộ liên kết sản xuất.
Ngoài việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sinh kế đơn lẻ của từng hộ gia đình, trong giai đoạn tới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cân nhắc mở rộng phạm vi hỗ trợ các nhóm hộ liên kết cùng sản xuất một sản phẩm với quy mô lớn hơn, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, sạch cung cấp cho thị trường. Quyết tâm không còn để hộ nào bị đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững. Những việc này phù hợp với đặc trưng sở hữu đất đai, quy mô sản xuất hộ gia đình thường là nhỏ nên rất cần tạo điều kiện để các hộ gia đình dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích sản xuất ở những nơi có đủ điều kiện tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung.
Trên bình diện quốc gia, cần phải bảo đảm và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực và bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Thứ sáu, thực hiện bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo.
Xuất phát từ đặc điểm phân công lao động mang tính giới, gánh nặng việc nhà, chăm sóc con cái, rào cản về khả năng sử dụng ngôn ngữ phổ thông cùng những định kiến khác đã hạn chế cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các cơ hội việc làm ngoài địa bàn cư trú. Vì thế, sinh kế chính được phụ nữ dân tộc thiểu số lựa chọn vẫn là gắn liền với sản xuất nông nghiệp cấp hộ gia đình. Tuy là đối tượng chính tham gia vào các mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo nhưng trên thực tế, phụ nữ dân tộc thiểu số chưa được phát huy vai trò trong việc quyết định lựa chọn sinh kế cũng như sử dụng thu nhập từ sinh kế mang lại.
Kết quả tham vấn của chuyên gia UNDP cho thấy, lồng ghép giới thông qua nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ” là chưa đủ và chưa được cụ thể hóa thành các cơ chế cụ thể trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Mới chỉ dừng lại ở một nguyên tắc định tính, thiếu quy định hướng dẫn thực hiện rõ ràng, thiếu chỉ số và cơ chế giám sát thực hiện nên rất khó để tổ chức trong thực tế và dễ dàng bị bỏ qua.
Do vậy, lồng ghép giới trong các chương trình, chính sách giảm nghèo rất cần được Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG quan tâm chỉ đạo triển khai theo hướng có những quy định, cơ chế cụ thể, bao gồm cả ngân sách cho các hoạt động có nội dung về bình đẳng giới. Xem xét đưa ra tỷ lệ tối thiểu có sự tham gia của phụ nữ trong việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của chính sách, chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần thí điểm Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo do phụ nữ thực hiện. Trên cơ sở thí điểm, cân nhắc thiết kế hợp phần hoặc tiểu hợp phần giảm nghèo liên quan đến đối tượng hưởng lợi là phụ nữ trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn tới.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác phòng chống, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phải đặc biệt quan tâm đến những yếu tố an ninh phi truyền thống: Tích cực duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Giáo dục cho người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang, ven biển và hải đảo nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời không ngừng bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác giảm nghèo, xử lý nghiêm minh các trường hợp trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.
Đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả để đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện chính sách giảm nghèo; nhân rộng điển hình tiên tiến, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng để hỗ trợ người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Kiên quyết xử phạt nghiêm minh những hành vi trục lợi chính sách xóa đói giảm nghèo để vun vén cá nhân. Khắc phục triệt để tình trạng chạy theo thành tích, tô hồng báo cáo để được khen thưởng, nhưng lại kêu khó, kêu khổ, không muốn thoát nghèo để hưởng lợi chính sách./.