Nói về những thách thức trong việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, bà Hà Thị Nhung - Phó Giám đốc Phụ trách BHXH tỉnh Tuyên Quang trăn trở cho biết công tác này hiện gặp nhiều khó khăn do người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, thiếu tính ổn định và không bền vững.
|
Vụ Địa phương I (Ủy ban Dân tộc) phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, đối thoại về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình với già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Theo Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 01/01/2022, tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/người/tháng lên 1.500.000 đồng/người/tháng. Điều này đồng nghĩa với tiền đóng BHXH tự nguyện của người đang tham gia tăng từ 154.000 đồng/tháng lên 330.000 (chưa trừ phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ). Trong đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ từ 10 - 30% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tùy từng đối tượng. Mức hỗ trợ này chưa thực sự hấp dẫn đối với người tham gia BHXH tự nguyện… Do vậy, tính đến cuối tháng 7/2022, tỉnh Tuyên Quang phát triển BHXH tự nguyện mới được 17.214 người, đạt 80,8% kế hoạch UBND tỉnh giao, thiếu 19,2% tương đương 4.082 người tham gia; so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao đạt 65,5%, thiếu 34,5% tương đương 9.086 người. 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới chỉ được 3.002 người. Kết quả phát triển BHYT hộ gia đình khả quan hơn. Tính đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ bao phủ đạt 91,6% dân số của tỉnh. Trong đó, BHYT hộ gia đình được 116.432 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 9.512 người. Đây là nỗ lực lớn của BHXH tỉnh Tuyên Quang bởi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã có 114.264 người bị giảm thẻ BHYT.
Nguyên nhân là do các những người bị giảm thẻ BHYT sinh sống tại những địa bàn không còn thuộc diện xã, thôn đặc biệt khó khăn nữa. Vì vậy, họ không còn được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT mà phải tự mua. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đã có 88.734 người tham gia BHYT trở lại, chiếm 77,65% số người bị giảm thẻ. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hàng năm có từ 5 - 7 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được xác định là xã khu vực I. Như vậy đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã này cũng sẽ không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT nữa. Dẫn đến “việc duy trì và giữ vững tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình được xem là tiêu chí khó bền vững và khó duy trì nhất so với các tiêu chí khác”, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang lý giải.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, BHXH là “của để dành” cho người lao động, BHYT để chăm sóc sức khỏe cho người tham gia khi không may xảy ra ốm đau, bệnh tật.
Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang là “lõi nghèo” của cả nước; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/3 so với thu nhập bình quân của cả nước. Đối tượng nghèo ở Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào người dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Tuyên Quang, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, với trên 41% là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì thế, tuyên truyền vận động để bà con hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi về già, hay tham gia BHYT hộ gia đình luôn là thách thức với cơ quan BHXH.
Trong bối cảnh đó, “muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình không cách nào khác phải tích cực bám làng, bám bản”, bà Hà Thị Nhung - Phó Giám đốc Phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết. Bám làng, bám bản là để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giúp đồng bào hiểu rằng BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT khi về hưu; không vì lợi nhuận, không bao giờ bị vỡ quỹ và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. tất cả mọi người dân trong xã hội đều có quyền tham gia để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Còn chính sách BHYT là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm. BHYT là cơ chế tài chính y tế quan trọng và là cơ chế chi trả trước được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng giúp người dân khi bị ốm đau không rơi vào cảnh nghèo đói. Đặc biệt, người dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Hiện nay, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Tỉnh Đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh; Bưu điện tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến toàn thể hội viên, đoàn viên và nhân dân. “Qua công tác tuyên truyền, đã phần nào hiểu được những lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chúng tôi sẽ vận động con cháu trong dòng họ, người dân trong bản nghiên cứu để tham gia” - ông Hoàng Văn Hợp, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên bày tỏ. Tuy nhiên, cái khó trong công tác tuyên truyền hiện nay là theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các hội nghị khách hàng phải có từ 30 - 50 người/hội nghị; sau hội nghị phải có ít nhất 40% số người tham dự đăng ký mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thì mới được công nhận làm thủ tục thanh quyết toán.
Do phải đáp ứng 2 tiêu chí trên nên đến nay, BHXH tỉnh Tuyên Quang mới tổ chức được 30% số cuộc theo kế hoạch đặt ra là phải tổ chức 1.102 cuộc hội nghị khách hàng. Vì vậy, cơ quan BHXH rất mong muốn tỉnh cân đối khả năng ngân sách của địa phương hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác trên địa bàn để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT ổn định, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân./.