Bảo đảm an ninh nguồn nước là kim chỉ nam thực hiện Luật Tài nguyên nước

Thứ sáu, 21/06/2024 11:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023.
 
 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: BL.

Sáng 21/6, tại TP Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.

Thứ trưởng nêu rõ, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức.

Theo đó, các nhóm chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước là xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật tại các quy định về: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; Điều hoà, phân phối tài nguyên nước…

Theo Thứ trưởng, để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ đã có 03 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

 Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BL

Thứ trưởng cũng cho hay, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật Tài nguyên nước ngày 1/7/2024).

Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Khoảng 60% tổng lượng dòng chảy xuất phát từ nước ngoài với 126/208 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.

Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Trong khi đó, với dân số của nước ta như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được  khoảng 4.400 m3/1 người/1năm từ nguồn nước nội sinh. Nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu, nhưng vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Phó cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước cho hay, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật Tài nguyên nước 2023 là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu. Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi. “Trước đây, các hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước nằm rải rác trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhưng lần này đã được luật hóa lên 1 tầm cao mới và được thể hiện ở Điều 35, 36 tức là tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ đều được thực hiện thông qua điều hòa, phân phối tài nguyên nước và được triển khai trên các công cụ số và điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy hoạch”, ông Ngô Mạnh Hà nêu rõ.

Tại Hội nghị các đại biểu đã nêu rõ những điểm mới của Luật gồm: Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước, tạo nguồn lực trong được chú trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế; Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”; Nước dưới đất được quản lý hiệu quả, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước…Các đại biểu cũng cho rằng, Luật đã phân định rõ trách nhiệm quản lý về tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp; điều phối, giám sát hoạt động bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông…

Nhằm tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước nhằm chỉ rõ những điểm mới, trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên nước. Hội nghị sẽ được tổ chức tại 3 miền, Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hải Phòng ngày hôm nay với sự tham gia của 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực