Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng bão số 6 (bão Trà Mi), từ 19 giờ ngày 28/10 đến 5 giờ ngày 29/10, trên địa bàn tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to.
Tính đến sáng 29/10, toàn tỉnh Quảng Bình có 32.767 ngôi nhà đang bị ngập. Trong đó, huyện Lệ Thủy có nhiều nhà bị ngập nhất (19.762 nhà), đặc biệt có 8.018 nhà bị ngập sâu trên 1m.
Các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Bình đã thực hiện di dời, sơ tán 1.249 hộ/3.681 khẩu.
Ngoài ra, có 58 thôn bản ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh đang bị chia cắt do nước lũ dâng cao gây ngập đường giao thông. Toàn tỉnh Quảng Bình có 76 điểm bị ngập trên các tuyến đường giao thông. Trong đó, tuyến quốc lộ có 14 điểm bị ngập chủ yếu tại quốc lộ 9B, quốc lộ 15, quốc lộ 9C, quốc lộ 9E và quốc lộ 1; tỉnh lộ có 62 điểm bị ngập tại TP. Đồng Hới, các huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Trạch.
|
Quảng Bình còn hơn 32.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: baoquangbinh) |
Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân tại vùng bị ngập lụt; cắm biển cảnh báo, phân công lực lượng túc trực, canh gác tại tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở; tuyệt đối không để người và phương tiện qua lại tại các tuyến đường này. Để bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ tại hai khu vực là ngã tư Cam Liên (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy).
* Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tính đến sáng ngày 29/10, bão số 6 và mưa lũ hoàn lưu sau bão đã khiến 1 người chết tại Quảng Bình (do nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ), 1 người mất tích tại Quảng Bình (bị nước cuốn mất tích trong lúc di chuyển tài sản tránh lũ, thuyền bị lật), 5 người bị thương (Quảng Trị 1; Quảng Nam 4).
Về nhà ở: 318 nhà hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 5, Thừa Thiên Huế 235, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 60); 34.201 nhà ngập (Quảng Bình 32.767, Quảng Trị 1.336, Thừa Thiên Huế 47, Đà Nẵng 51). Đến nay còn 34.020 nhà ngập (Quảng Bình 32.767, Quảng Trị 1.253).
Về nông nghiệp: 622 ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại (Quảng Bình 291; Quảng Trị 309,5; Thừa Thiên Huế 5; Quảng Nam 6,5; Đà Nẵng 10); 2.784 cây xanh đô thị bị gãy đổ (Quảng Bình 15, Quảng Trị 14, Thừa Thiên Huế 1.807, Quảng Nam 95, Đà Nẵng 853); 531 con gia súc (Quảng Trị 530, Quảng Nam 01), 17.552 con gia cầm bị chết, cuốn trôi (Quảng Bình 4.000, Quảng Trị 13.482, Quảng Nam 70); 1.091 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Hà Tĩnh 02, Quảng Bình 410, Quảng Trị 681).
Về giao thông: 53 vị trí đường Quốc lộ 9B, 9C, 12A, 9E, 15 (Quảng Bình), 15D, 9D (Quảng Trị), 49B (Thừa Thiên Huế) bị sạt lở, hư hỏng; 89 vị trí đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng 25.914 m3 đất đá. Sự cố đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Sa Lung - Tiên An đang tiếp tục xử lý và bố trí ô tô chuyển tải hành khách giữa ga Đông Hà và ga Đồng Hới; dự kiến thông đường trước 15h ngày 29/10.
Về thủy lợi: 6,5km kè, kênh mương bị hư hỏng tại Quảng Trị; 16,8km bờ biển bị sạt lở (Quảng Bình 1,5km; Quảng Trị 5km; Thừa Thiên Huế 10,3km).
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại./.