Đó là thông tin được ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra tại cuộc họp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với các đơn vị liên quan nhằm tiếp tục bàn các giải pháp ứng phó với bão số 9, diễn ra sáng 27/10.
|
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: BT) |
Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 6h30 sáng nay, bão số 9 có cường độ tăng thêm và đến thời điểm này đạt cấp 14. Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ đầu năm đến thời điểm hiện nay. Dự báo, bão có khả năng mạnh thêm hoặc duy trì với cấp độ này đến chiều tối.
Cũng theo ông Khiêm, bão số 9 gây ra gió rất mạnh và sóng lớn trên Biển Đông và khu vực ven bờ. Ông Khiêm cho hay, trưa hôm nay, trên các khu vực biển ven bờ đã có gió mạnh của cơn bão, khu vực ven biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 9 - 10, 11 sau tăng lên cấp 12, 13 giật cấp 15, sóng cao từ 6-8m. Khu vực vịnh Bắc bộ, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, kết hợp gió Đông Bắc nên gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động lớn, sóng cao từ 4-6m. Vùng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận gió cấp 7, giật cấp 10, sóng cao từ 3-5m.
“Từ trưa nay, bão ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển nước ta. Trên đất liền, bão bắt đầu gây gió mạnh từ tối nay và thời gian gió mạnh nhất từ sáng sớm ngày mai, kéo dài đến chiều tối cùng ngày” – ông Khiêm nhấn mạnh.
Đại diện của Tổng cục Thủy sản tại cuộc họp cho biết, tính đến 7h sáng nay, trong vùng ảnh hưởng của bão còn 178 phương tiện. Trong đó, Bình Định còn 174 tàu với 45 tàu đang trong vùng nguy hiểm, Bà Rịa – Vũng Tàu có 2 tàu, Khánh Hòa 1 tàu,…Tổng cục Thủy sản đang chỉ đạo các địa phương liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thông báo về diễn biến cơn bão để các tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, phát thông tin qua các trạm bờ nhằm thông báo cho các tàu cá trú tránh an toàn, tránh xa khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Để chuẩn bị ứng phó với bão số 9, đại diện của Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, 9h sáng nay, Bộ Quốc phòng đã có đoàn công tác đi vào Đà Nẵng và Khánh Hòa, phối hợp cùng các lực lượng chỉ đạo ứng phó với bão số 9. Đồng thời, Bộ đã có công điện khẩn, chỉ đạo quân khu 4, quân khu 5,…triển khai cấp bách ứng phó với bão. Đi cùng với đó, phối hợp với các địa phương rà soát các trọng điểm hồ, đê, kè cống, các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, rà soát, kiểm đếm kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh, kiên quyết không để người dân trên lồng bè, chòi canh; sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở đất, lũ quét.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị nơi neo đậu âu thuyền, cần tổ chức để tránh va đập; việc di dời dân cần tổ chức cương quyết, dứt khoát, đảm bảo an toàn. Với 178 phương tiện còn ở trên biển hiện nay, cần có biện pháp làm sao đưa vào bờ trước chiều hôm nay.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Văn phòng thường trực đã kết nối trực tuyến với 7 tỉnh dự kiến chịu ảnh hưởng của bão để có những chỉ đạo kịp thời, việc kết nối trực tuyến sẽ được duy trì cho đến hết cơn bão.
Để ứng phó với bão số 9, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị đối với tuyến trên biển, cần tăng cường kiểm đếm hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển trú tránh an toàn, tổ chức bắn pháo hiệu để báo bão. Đặc biệt, lưu ý hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền, không để có người trên tàu khi bão đổ bộ. Tổ chức gia cố chằng chống lồng bè, sơ tán người dân ở đây vào khu vực đất liền, chỉ cho người dân quay trở lại khi có lệnh của chính quyền.
Bên cạnh đó, cần bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ, thực hiện nghiêm việc cấm biển.
Mặt khác, cần tổ chức chằng chống nhà cửa; tổ chức chặt tỉa cành cây ở khu vực đô thị; tổ chức cho học sinh nghỉ học. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng để ứng cứu kịp thời các sự cố, cử người canh gác tại các vùng trũng thấp, ven sông, ngầm tràn, nước chảy xiết,.../.