BHXH Việt Nam khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội

Thứ sáu, 28/08/2020 15:31
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây thiệt hại đáng kể đến tình hình kinh tế, xã hội…, song BHXH Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia

6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đáng kể đến tình hình kinh tế, xã hội… của đất nước; nhiều doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử… phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc. Cùng với đó, do đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn.

Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT đã đạt kết quả khả quan.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8/2020. (Ảnh: Quyết Thắng)

Cụ thể, tính đến ngày 31/7/2020, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,271 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,534 triệu người (giảm 655 nghìn người so với năm 2019, đạt 90,6% kế hoạch); số người tham gia BHXH tự nguyện là 737 nghìn người (tăng 163 nghìn người so với năm 2019, đạt 61,4% kế hoạch); số người tham gia BH thất nghiệp là 12,725 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của ngành; số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch của Ngành, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.

Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch bệnh, nhưng nhờ vận dụng những giải pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp, số người tham gia BHXH tự nguyện trong toàn ngành tiếp tục gia tăng. Đây là “điểm sáng” trong công tác phát triển đối tượng của ngành BHXH trong thời gian qua.

Liên quan đến công tác giải quyết chế độ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, toàn Ngành đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp một lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BH thất nghiệp.

Chỉ trong tháng 08/2020, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 9,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ đầu năm là 223,2 nghìn tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch giao. Tổng số đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng là 1.380 đơn vị, tương ứng với 115.308 lao động và ước số tiền khoảng 432 tỷ đồng. Tổng số tiền còn phải thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,6% số phải thu.

Toàn ngành đã giải quyết hưởng mới chế độ hàng tháng cho 8.583 người (lũy kế từ đầu năm là 79.351 người) với mức chi trả bình quân 4.465.977 đồng/người. Trong đó: Đối tượng hưu trí là 7.658 người (chiếm 89,2%), mức hưởng bình quân 4.907.512 đồng/người; đối tượng tuất là 752 người (chiếm 8,8%), mức hưởng bình quân 743.829 đồng/người; đối tượng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 173 người (chiếm 2%), mức hưởng bình quân 1.100.578 đồng/người; đồng thời đã giải quyết hưởng mới chế độ BHXH, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuất một lần cho 55.175 người với tổng số tiền chi trả khoảng 2.145 tỷ đồng, trong đó đối tượng hưởng BHXH một lần chiếm số lượng lớn nhất với 51.938 người, số tiền chi trả khoảng 1.997 tỷ đồng, chiếm 93,1% (lũy kế từ đầu năm 562.623 người với tổng số tiền chi trả 21.176 tỷ đồng, trong đó: 527.481 người hưởng BHXH một lần với số tiền chi trả là 19.700 tỷ đồng). Số tiền chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định BHYT là 60.980.343 triệu đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 60,74%.

Ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt

Việc ứng dụng CNTT vào công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được BHXH Việt Nam xác định là yếu tố then chốt, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho người tham gia, đơn vị và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH…

Điển hình là, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước năm 2019. Theo đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đứng đầu trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là lần thứ 3 liên tiếp BHXH Việt Nam đạt được thành tích này.

Đến nay, ngành BHXH đã thực hiện cung cấp được 05 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tích hợp, cung cấp thêm 03 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

 Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. (Ảnh: G.M)

Vượt qua đại dịch, hoàn thành thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các đơn vị trong việc khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chủ động phối hợp Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ mắc COVID-19; bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi cơ sở KCB bị cách ly y tế hoặc thay đổi nhiệm vụ điều trị COVID-19. Ðồng thời thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở để bảo đảm hoạt động KCB BHYT, nhất là các tỉnh có người phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19; thực hiện thanh toán chi KCB BHYT liên quan dịch COVID-19 và sử dụng kinh phí từ quỹ KCB BHYT hỗ trợ chống dịch COVID-19.                   

Xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành (từng tháng, quý, cả năm) nhằm tăng tốc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó, sẽ tăng cường phối hợp các hệ thống đại lý thu tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông trong tình hình mới, tập trung truyền thông hướng đến các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình,...

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2020 được giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Cùng với đó, kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đặc biệt, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, cấp mã số BHXH cho người tham gia...

Công tác truyền thông được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc, góp phần tạo đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tạo niềm tin, sự yên tâm và tin tưởng trong Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước. Nội dung, hình thức truyền thông trọng tâm, trọng điểm, tuyên truyền vận động trực tiếp đến người dân đã và đang được BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện có hiệu quả.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, chính sách BHXH, BHYT đã thực sự trở thành những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội nước ta, là chính sách an sinh không thể thiếu trong đời sống của người dân. Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, ngành BHXH luôn đồng hành cùng nhân dân, khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh COVID-19, hoàn thành thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội./.

Bài, ảnh: Quyết Thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực