Đường giao thông nông thôn được huy động vốn từ nhân dân đóng góp (Ảnh: K.V)
Được biết, Bình Dương là tỉnh không có nguồn kinh phí từ Trung ương để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với sự đồng thuận từ các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh, từ năm 2011 đến nay, địa phương này đã hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn trong xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 85,5%, nhựa hóa và bê tông hóa 1.892km đường trục xã và liên xã. Từ năm 2011 đến nay, Bình Dương đã thực hiện trên 2 nghìn công trình giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị với tổng chiều dài trên 1.200km, với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.
Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,91%, số xã đạt chuẩn y tế quốc gia là 97,8%; 100 xã, phường của tỉnh Bình Dương có bác sĩ phục vụ; tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; 100% số ấp ở các xã đều sử dụng mạng lưới điện thoại cố định, điện thoại di động. Tổng số chợ trên địa bàn nông thôn của Bình Dương là 34 chợ, trong đó có 14 chợ xây dựng theo phương thức xã hội hóa…
Cùng với xây dựng nông thôn mới, Bình Dương đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Qua đó, địa phương này đã kêu gọi được các nhà đầu tư đưa vốn vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm trước. Chính từ việc làm này đã thay đổi tích cực cung cách và tư duy sản xuất của người nông dân tại các địa bàn nông thôn.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Dương trong những năm qua đã có những cách làm sáng tạo. Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn được lồng ghép và hưởng lợi từ chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa của Bình Dương. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Dương cũng được thuận lợi từ kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông, viễn thông liên lạc trong quá trình chuyển từ tỉnh thuần nông sang đô thị công nghiệp.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Dương, với quyết tâm cao, nhất là tập trung cho chất lượng xây dựng nông thôn mới, do đó chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Dương có những bước đi tuy chậm nhưng chắc chắn. Hiện, Bình Dương không có địa phương nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Dương sẽ huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp đạt trên 1.145 tỷ đồng, nguồn từ cộng đồng dân cư là 1.500 tỷ đồng. Phấn đấu, hoàn thành mục tiêu đề ra và tiến tới đích Bình Dương chính thức trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020./…