Bình Dương: huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án trọng điểm

Thứ ba, 12/11/2024 16:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhằm phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao và hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu đã ký kết, trong những tháng còn lại của năm, Bình Dương sẽ tập trung cao độ và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình.
Thi công nút giao đường Bình Chuẩn - Tân Phước Khánh. (Ảnh: Sơn Nam) 

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cho Bình Dương là 15.278 tỷ đồng, trong khi Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt mức ngân sách lên đến 22.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/10/2024, giá trị giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024 hơn 6.767 tỷ đồng, đạt 44,3% Kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 32,2% Kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao.

Nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân tốt, trên 60%. Một số đơn vị chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn lớn (trên 500 tỷ đồng) đã giải ngân trên 50%, cụ thể: Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 56,7%, UBND huyện Phú Giáo 55,9%, UBND TP.Thủ Dầu Một 52%,…

Các đơn vị dự kiến đảm bảo giải ngân đúng tiến độ đến hết quý III: Huyện Bắc Tân Uyên (cam kết 60%, hiện đạt 70,4%), huyện Bàu Bàng (cam kết 60%, hiện đạt 69,5%), huyện Dầu Tiếng (cam kết 60%, hiện đạt 62,3%).

Giá trị giải ngân các công trình trọng điểm đến nay hơn 4.441 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh.

Nhìn chung, công tác phân bổ vốn tập trung tối đa cho các công trình, dự án trọng điểm, cơ bản đảm bảo nhu cầu theo tiến độ thực tế của dự án, kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án, công trình có tỷ lệ giải ngân thấp, không có khả năng giải ngân sang các công trình, dự án có giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đến nay chưa đạt được kỳ vọng, lượng vốn còn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn để hoàn thành được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp là do vướng mắc về luật; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất thực tế;…

Đặc biệt, hiện nay, một số dự án lớn tại Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực đầu tư công có nhiều thay đổi; các công trình trọng điểm chưa đảm bảo được tiến độ như kế hoạch và cam kết các chủ đầu tư đã đăng ký từ đầu năm. Nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để chi hết số vốn giải phóng mặt bằng được bố trí vốn như đường ĐT.748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước, đường ĐH.606 đến giáp đường vành đai Bắc Mỹ Phước, đường Bình Chuẩn-Tân Phước Khánh, đường ĐT.746 đoạn ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa, dự án Nạo vét, gia cố Suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai, giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành…

Để tập trung cao độ và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giao chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân cho từng sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị chủ đầu tư để phấn đấu thực hiện vào những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã phát động Phong trào Thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Phấn đấu đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ giải ngân Kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt tối thiểu 85% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giao (tương ứng 122% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc phải đạt trên 80%.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được phân bổ và nguồn vốn tăng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết năm 2023; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện rà soát, điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa thật sự cấp thiết, cấp bách để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, dự án cấp thiết, bức xúc, có khả năng giải ngân ngay vốn được bố trí, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

Ngoài ra, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cơ chủ trì, đầu mối để rút ngắn thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ, thủ tục từ bước chuẩn bị đầu tư đến thực hiện và quyết toán dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho rằng các đơn vị, chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương cần phải nghiêm túc thực hiện, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn… Đồng thời, phải nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ những điểm nghẽn, chủ động đề xuất phương án giải quyết trên tinh thần làm việc vì lợi ích chung. Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất có thể và hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu đã ký kết.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ, Bình Dương đã đặt ra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 với tổng vốn dự kiến lên đến 105.000 tỷ đồng, bao gồm 32.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 73.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Định hướng này tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và các dịch vụ công khác, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển cấp thiết của tỉnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hút đầu tư bền vững.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực