Bình Dương: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba, 07/11/2017 11:37
(ĐCSVN) – Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh này đặt mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn; trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng quá trình đào tạo nghề đối với học viên.

Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh này đã được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động. Nhận thức của lao động nông thôn về việc học nghề đã dần được chuyển biến theo hướng tích cực hơn.

Một cơ sở trồng nấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: NS)

Các khóa đào tạo đã trang bị cho lao động nông thôn các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống nông thôn, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp – dịch vụ.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, nguồn nhân lực có tay nghề là một vấn đề đang được đặt ra hàng đầu tại Bình Dương. Chính vì vậy, công tác quy hoạch phát triển đô thị, chuyển đổi nông dân thuần túy sang thị dân, giải quyết việc làm cho đối tượng bị thu hồi đất, bộ đội xuất ngũ, nâng cao hiệu quả canh tác tại những khu vực thuần nông trên địa bàn tỉnh cần xây dựng một lộ trình cụ thể và có những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nguồn lao động có tay nghề nhằm phục vụ tại chỗ là một việc làm cấp thiết và quan trọng.

Những năm qua, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Dương đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo ở nông thôn thay đổi cuộc sống. Đến nay, không còn tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng và thành tích mà đã được tổ chức một cách chặt chẽ hơn, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, hoặc người học tự phát triển được khả năng của mình.

Việc học nghề đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt có ý nghĩa với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất và trình độ sản xuất hạn chế. Cụ thể, nhờ học nghề đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo, có thu nhập trung bình vươn lên thành hộ có thu nhập khá. Phát huy hiệu quả việc dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã cử cán bộ nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để bổ sung những ngành nghề phù hợp, bảo đảm sau khi học nghề học viên có công việc ổn định.

Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả từ công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề đến dạy nghề và giới thiệu việc làm theo Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao năng lực của mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, như nâng cao trình độ giáo viên, chương trình dạy nghề, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề...

Ngoài đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung, Bình Dương cũng tích cực đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu sau khi đào tạo, đồng bào dân tộc thiểu số có thể có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng công tác tư vấn, đào tạo nghề cho đối tượng trên. Có công ăn việc làm ổn định, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã dần vượt qua khó khăn, vươn lên khá, giàu, cùng địa phương xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự… Bình Dương hiện có 20 dân tộc thiểu số với khoảng 4.500 hộ, gần 20.000 người, nhiều nhất là dân tộc Hoa, Khmer…

Theo kế hoạch được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, năm 2017, toàn tỉnh sẽ đào tạo cho 1.380 học viên; trong đó phi nông nghiệp: 880 người, nông nghiệp: 500 người. Được biết, trong giai đoạn 2010-2015, Bình Dương đã hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 là 10.155 người./.

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực