Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, tính chung 9 tháng là 7,92%, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
|
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Phát biểu làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ở khía cạnh nào đó, với tiêu chí thất nghiệp hiện nay, trong một số trường hợp chưa hoàn toàn là thất nghiệp mà đúng hơn là “thiếu việc làm”. Đồng thời cho biết, nhìn lại các nước trong khu vực và trên thế giới thì gần đây tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Trong đó, khu vực Đông Nam Á là 9,5%.
Lý giải cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước hết là do kinh tế thế giới tăng chậm lại, tác động của các yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí, do đó lao động trẻ khó khăn trong thích ứng rơi vào tinh giản.
Hơn nữa, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ tạo nên dẫn đến thiếu việc làm trong thanh niên.
Cũng theo Bộ trưởng, một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài, từ chối và nhảy việc ngắn hạn, thu nhập tốt hơn dẫn đến thất nghiệp tạm thời...
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết cần hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp do thanh niên khỏi điều hành, khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên; chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp…
Giải pháp khác, theo Bộ trưởng là triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vay giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để thích ứng vấn đề này.
Mặt khác, cần chú trọng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một căn cứ và một giải pháp làm "bà đỡ", không để thanh niên thất nghiệp kéo dài.
Bộ trưởng cũng đề cập đến giải pháp hài hòa giữa lao động trẻ, lao động trong nước với việc tạo điều kiện để thanh niên và lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài, vừa là tạo điều kiện để tăng thu ngoại tệ và tạo việc làm trong tạm thời.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tạo việc làm tăng thêm trong nước, hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài làm công việc phổ thông. “Chỉ cho phép lao động nước ngoài vào khi lĩnh vực đó không tiếp nhận được lao động trong nước”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.