Cà Mau: Giải quyết nhu cầu cấp thiết cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 25/09/2024 18:01
(ĐCSVN) - Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó đã góp phần giải quyết những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình), gồm những nội dung: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hướng tới mục tiêu hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Căn cứ các nội dung trên, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã rà soát và xác định: giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ cần được hỗ trợ đất ở là 355 hộ; 754 hộ cần được hỗ trợ nhà ở; 610 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất; 522 hộ cần được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 1.743 hộ cần được hỗ trợ về nước sinh hoạt.

Người dân xã Ngọc Chanh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bên căn nhà mới. (nguồn: Báo Dân tộc) 

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đến hết năm 2023, tỉnh Cà Mau đã thực hiện hỗ trợ được đất ở cho 11 hộ với tổng vốn giải ngân là 484 triệu, đạt 100% kế hoạch vốn được giao năm 2023; hỗ trợ nhà ở cho 283 hộ với  tổng vốn thực hiện là 12.540 triệu đồng, đạt 99,33% kế hoạch vốn được giao năm 2023; về hỗ trợ đất sản xuất, dù tổng số hộ cần được hỗ trợ là 610 hộ, nhưng do địa phương không còn quỹ đất công để hỗ trợ nên không thực hiện nội dung này; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 201 hộ, tổng vốn thực hiện và giải ngân là 2.010 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được giao năm 2023; về nước sinh hoạt, đã hỗ trợ được 406 hộ, tổng vốn thực hiện và giải ngân 1.218 triệu đồng (ngân sách trung ương), đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023.

Theo thống kê, năm 2023, tổng vốn để thực hiện Dự án 1 tại Cà Mau là 15.354 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 14.182 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 11.720 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2.462 triệu đồng). Ngân sách tỉnh đối ứng 1.172 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển). Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân được 15.270 triệu đồng, đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao.

Năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang tiếp tục triển khai hỗ trợ đất ở cho 28 hộ, nhà ở cho 180 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất 264 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 272 hộ thụ hưởng; đã phê duyệt phương án để triển khai thêm 22 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng tại địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn. 

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau- Trần Hoàng Nhỏ cho biết: Các nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 1 của Chương trình đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh bám sát các văn bản của Trung ương để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện theo đúng Quy trình đánh giá, giám sát ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc; lồng ghép phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương trong Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu tổ chức 02 đoàn kiểm tra liên ngành và trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc triển khai, thực hiện đối với các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình. Qua đó, kịp thời phát hiện những thiếu sót và nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động phối hợp tháo gỡ, cũng như đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết đúng quy định. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, tỉnh Cà Mau đã thực hiện có hiệu quả Dự án 1, với những kết quả thiết thực, cơ bản giải quyết được những nhu cầu cấp thiết của đồng bào các DTTS tại địa phương.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tạo quỹ đất để triển khai hỗ trợ; Trung ương cần xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ "tạo quỹ đất sản xuất" từ ngân sách nhà nước để địa phương triển khai hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng thuộc Chương trình”. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (thay cho đất sản xuất) thì định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp (không quá 10 triệu đồng/hộ) thật sự chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ thoát nghèo cho đối tượng thụ hưởng. Quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hỗ trợ đất ở chưa rõ ràng, cụ thể nên mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ đất chưa được cấp quyền sử dụng đất và xây nhà trên đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất./.

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực