Đây là khẳng định của đại diện EVNCPC với phóng viên khi nói về các giải pháp mà đơn vị đang tập trung chỉ đạo, triển khai trong toàn hệ thống tại miền Trung- Tây Nguyên nhằm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg, ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
|
Hiện mực nước tại nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung - Tây Nguyên xuống mức rất thấp
|
Mực nước các hồ thuỷ điện xuống thấp
Đại diện EVNCPC dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; hiện nay, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp; một số hồ chứa lớn lượng nước trữ trong các hồ chứa thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3, nhất là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên.
Trước thực trạng đó, hiện EVNCPC đã tiến hành rà soát mực nước tại các hồ thuỷ điện trên toàn địa bàn phụ trách; đồng thời cũng đa có những chỉ đạo, phối hợp với các địa phương trong khu vực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường ý thức sử dụng và tiết kiệm điện trong Nhân dân gắn với kế hoạch triển khai các phương án sản xuất điện đảm bảo lượng điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Tại Quảng Nam, theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, mực nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4 hiện đang xuống mức quá thấp, không bảo đảm mực nước tối thiểu theo quy định nên tỉnh đề nghị chủ đầu tư hai nhà máy thủy điện nêu trên dừng vận hành xả nước phát điện để tích nước, góp phần chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du trong mùa khô năm nay.
Cũng theo ông Tý, tình trạng mực nước ở các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh xuống thấp càng nghiêm trọng hơn như tại hồ thủy điện A Vương có dung tích 343 triệu m3 nước, nhưng hiện nay mực nước hồ đang thấp hơn 6m so với quy định tích nước cho mùa cạn và gần về mực nước chết. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, đòi hỏi phải ngưng vận hành xả nước phát điện để tích nước.
Theo đại diện EVNCPC, không riêng Quảng Nam, hiện lưu lượng dòng chảy trên các sông ở các địa phương thuộc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 20 - 60%. Dự báo từ tháng 5 đến tháng 7/2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Do lượng nước bị thiếu hụt trầm trọng, không ít nhà máy thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên đang phải hoạt động cầm chừng nhiều ngày qua, ảnh hưởng lớn đến việc phát điện thời gian tới, cụ thể như: Ialy, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, sông Ba Hạ và nhiều hồ thủy điện khác đã về xấp xỉ mực nước chết.
|
Công nhân điện lực Quảng Nam bảo trì lưới điện phục vụ sản xuất tại các Khu công nghiệp trên địa bàn.
|
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao
Trong khi nắng nóng kéo dài và tình trạng mực nước các hồ thuỷ điện xuống thấp thì nhu cầu sử dụng điện của xã hội hiện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng, nhất là vào các tháng 5, 6, 7. EVNCPC cho biết, công suất cực đại tháng 4/2023 đạt 3.536,1 MW (ngày 21/4/2023), tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2022; ngày 06/5/2023, công suất cực đại đạt 3.638,8MW, tăng 13,42% so với cùng kỳ 2022. Dự báo trong các ngày nắng nóng sắp tới, công suất cực đại còn tiếp tục tăng cao.
Sản lượng điện từ các nguồn thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên chiếm khoảng 38%. Nên hệ thống điện sẽ có tình trạng khó khăn về nguồn điện khi mực nước tại các hồ thủy điện lớn giảm sâu, đặc biệt trong các tháng 5, 6, 7 và nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm. Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng thì tình hình cung cấp điện sẽ rất khó khăn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Tổng công ty Điện lực miền Trung vẫn nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. EVNCPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực lập và triển khai phương án đảm bảo cấp điện mùa khô; đồng thời chỉ đạo các đơn vị khi có công tác sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện, phải rà soát kỹ phương án tổ chức thi công, bố trí thời gian cắt điện phù hợp, tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện phục vụ người dân.
|
Tại Quảng Nam, các hồ chứa thủy điện đang xuống mức quá thấp, không bảo đảm mực nước tối thiểu theo quy định nên tỉnh đề nghị chủ đầu tư dừng vận hành xả nước phát điện để tích nước. |
Tăng cường tiết kiệm điện
Trước thực trạng trên, lãnh đạo EVNCPC cho biết đơn vị rất mong nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân, khách hàng thông qua việc sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối: 11h30 – 14h30, và 20h00 - 22h00. Đồng thời, chú ý sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý (26 - 27°C trở lên, kết hợp quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Theo khuyến cáo của đại diện EVNCPC, với tủ lạnh - một trong các thiết bị gia đình tiêu thụ khá nhiều điện. Do đó, các hộ dân nên chọn tủ lạnh có kích thước phù hợp với số người sử dụng, đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, xa nguồn nhiệt, đặt nhiệt độ ở mức phù hợp, thường xuyên kiểm tra tủ đảm bảo tủ được kín, tránh thất thoát nhiệt lạnh. Đối với máy giặt nên chọn chế độ giặt phù hợp với chất liệu vải, khối lượng đồ giặt phù hợp với công suất của máy, nếu giặt ít quần áo nên chọn lại mức nước cho phù hợp lượng đồ giặt.
Cạnh đó, EVNCPC cũng lưu ý khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công thương; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm. Đối với các doanh nghiệp, nên chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, sử dụng các thiết bị, máy móc tiêu hao ít năng lượng hơn, sử dụng điện vào giờ thấp điểm…
Ngày 13/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng./..