Từ tháng 7/2024 đến nay, khu vực Bắc bộ đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất. Do đó, việc tăng cường công tác chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai là giải pháp hết sức quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời: Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, Chủ nhiệm Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Các vị khách mời trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Phóng viên (PV): Thưa Cục trưởng Phạm Đức Luận, từ tháng 7/2024 đến nay, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương Bắc bộ. Cục trưởng có thể khái lược tình hình cũng như những thiệt hại do mưa lũ gây ra trong thời gian vừa qua?
Cục trưởng Phạm Đức Luận: Từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình mưa lũ ở khu vực miền núi phía Bắc xảy ra hết sức cực đoan và khốc liệt. Mưa lớn kéo dài ngày, gây ra sạt lở đất, lũ quét ở Mai Sơn, Sơn La làm 6 người chết, xảy ra ở Mường Pồn (Điện Biên) làm 7 người chết và mất tích, sạt lở ở quốc lộ 34, huyện Bắc Mê (Hà Giang) làm 11 người chết.
Chúng tôi tổng hợp từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lũ đã làm 65 người chết và mất tích. Tính từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 118 người chết và mất tích, cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tăng gần 40% so với năm 2023.
|
Theo Cục trưởng Phạm Đức Luận, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình mưa lũ ở khu vực miền núi phía Bắc xảy ra cực đoan và khốc liệt. |
PV: Như ông vừa trao đổi, mưa lũ thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại về người và tài sản, nhất là tại nhiều địa phương như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang,... Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện nay, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương đã được triển khai như thế nào, kết quả ra sao?
Cục trưởng Phạm Đức Luận: Qua công tác theo dõi, đôn đốc, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, bằng nguồn lực của địa phương đã hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống. Ví dụ như: tu sửa nhà, hỗ trợ bà con những vật dụng cần thiết hoặc cung cấp lương thực, nước uống, nước sạch và khẩn trương thực hiện việc khôi phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, thực hiện vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, thiên tai xảy ra gây thiệt hại rất lớn. Có nhiều thiệt hại cần có thời gian để khôi phục và có những thiệt hại vượt quá khả năng khắc phục của địa phương. Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ tổng hợp, sau đó tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét hỗ trợ cho các địa phương để sớm khắc phục các thiệt hại lớn như về cơ sở tầng, trường học, đường giao thông, cấp nước sinh hoạt,…
|
Nước ngập sâu tại xã Chiềng Đen, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài. (Ảnh: TTXVN) |
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, trong thời gian gần đây, tình hình mưa tiếp tục diễn biến khó lường, cực đoan. Mưa lớn liên tục trong nhiều ngày dễ gây nên tình trạng sụt lún và sạt lở đất. Trong khi đó, sạt lở đất là loại hình thiên tai rất nguy hiểm bởi tính bất ngờ và khó lường trước, hậu quả gây ra rất nghiêm trọng. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để kịp thời nhận biết khu vực sạt lở sắp xảy ra và kịp thời tuyên truyền cho người dân, người đi đường biết về khu vực sạt lở?
PGS.TS Nguyễn Tiền Giang: Sạt lở đất là hiện tượng đất đá, các vật liệu khác dịch chuyển theo sườn dốc hoặc từ trên xuống, dưới tác động của trọng lực. Để nhận biết các dấu hiệu của sạt lở đất, chúng ta cần phải nhận diện được các loại sạt lở đất khác nhau.
Có rất nhiều cách phân loại sạt lở đất, tuy nhiên chúng ta thường nhìn nhận loại hình thiên tai này dưới 3 dạng. Thứ nhất là dạng đá rơi, đá đổ. Ở hiện tượng này, các tảng đá rất lớn nặng hàng tấn hoặc vài chục tấn rơi từ trên cao xuống. Hiện tượng này xảy ra khá bất ngờ và gây thiệt hại khá lớn cho người dân đi lại trên đường, giao thông cũng như phương tiện đi lại. Về dấu hiệu nhận biết hiện tượng này, đó là trước khi các tảng đá, những khối đá trượt lở lớn rơi xuống, có các dấu hiệu xuất hiện các vật liệu bở rời rơi xuống trước. Đây là một trong những dấu hiệu mà người dân có thể nhận biết và kịp thời cảnh báo cho người đi lại trên đường.
Loại trượt lở thứ hai, chúng tôi thường gọi là trượt, trượt theo sườn dốc, theo mặt cong hoặc mặt phẳng. Hiện tượng này xảy ra tương đối nhanh và cũng do tác động của mưa lớn. Hiện tượng này xảy ra có thể từ từ, chậm hoặc nhanh. Thông thường, có những dấu hiệu như cây nghiêng hoặc là những dấu hiệu có vật liệu rơi trước. Ở dạng trượt lở này, thường những nơi đã sạt lở rồi sẽ có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Thứ ba là dạng sạt lở khối, là hiện tượng cả một khối sườn núi hoặc sườn đồi đổ sập xuống. Ở dạng sạt lở này, điểm nguy hiểm nhất là có thể sau sạt lở sẽ gây lũ ống, lũ bùn đá rất nguy hiểm. Ở dạng này, chúng ta có thể nhận biết được bởi các dấu hiệu như tiếng cây đổ, tiếng động lạ, rung chuyển lòng đất, nghiêng tường rào,… Đây là những dấu hiệu có thể nhận diện được. Tuy nhiên tôi cũng phải khẳng định, tất cả những dấu hiệu nhận biết này đều theo kinh nghiệm của người dân.
Chúng ta rất cần những kiến thức về khoa học và những công nghệ mới để dự báo, cảnh báo nhằm hỗ trợ thêm về những dấu hiệu nhận diện sạt lở đất.
|
Một vụ sạt lở đất xảy ra tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Phạm Bình) |
PV: Thưa Cục trưởng Phạm Đức Luận, thực tế hiện nay cho thấy, tình hình thiên tai, trong đó có mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét diễn biến ngày càng cực đoan và khó lường. Theo quan điểm của ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
Cục trưởng Phạm Đức Luận: Theo tôi, năm nay, miền núi phía Bắc có một năm mưa rất nhiều, kéo dài ngày. Không chỉ từ tháng 7 đến nay, mà tháng 5, tháng 6 mưa cũng đã rất lớn. Lần đầu tiên, bốn hồ chứa lớn ở trên khu vực thượng nguồn đã đầy nước và phải xả rất nhiều ngày. Ví dụ như hồ Tuyên Quang, tính sơ bộ, lượng nước về gấp 4 lần năm 2023. Hồ chứa Hòa Bình cũng phải xả lũ rất nhiều ngày. Đồng thời, như hồ Sơn La, trong vòng 3 ngày, lưu lượng nước về 10.000m3/s.
Bên cạnh đó, trong quá trình mưa dài ngày, có những điểm mưa rất cực đoan, vượt giá trị lịch sử. Ví dụ như mưa ở TP. Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang. Trong đó, tại Hà Giang, có những điểm mưa tại Bắc Quang ghi nhận 507 mm trong vòng 12 tiếng.
Hoặc tại Km 46 của Sơn La, mưa 220 mm trong vòng 5 tiếng; ở Mường Pồn, Điện Biên, khu vực xảy ra lũ quét làm 7 người chết và mất tích có lượng mưa 216 mm chỉ trong vòng 4 tiếng. Trong điều kiện mưa dài ngày, đất đá bão hòa với nước, cùng với mưa cực đoan dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, khu vực miền núi phía Bắc với đặc thù đồi núi cao, phần diện tích bằng phẳng rất ít, kết hợp với tập quán sinh sống và sản xuất của bà con nên nguy cơ xảy ra thiệt hại về người rất cao khi xảy ra lũ quét.
Trong đó, bên cạnh những trường hợp tai nạn đáng tiếc còn có một số trường hợp còn chủ quan. Ví dụ như, mặc dù đã có cảnh báo, nhưng một số người dân vẫn cố tình đi qua ngầm tràn, nước sâu chảy xiết, hoặc là đi vớt củi, đánh cá,… dẫn đến xảy ra những tai nạn rất đáng tiếc. Về vấn đề này, trong các công điện, chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện đi qua các ngầm tràn, khu vực nước sâu,… và các địa phương cũng rất quyết liệt như thực hiện tuần tra, và lập các chốt ở các khu vực đó.
PV: Cùng nội dung câu hỏi này, thưa PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, ông có bổ sung thêm nguyên nhân gì không?
PGS.TS Nguyễn Tiền Giang: Trong cộng đồng khoa học của chúng tôi, các loại hình thiên tai thường gọi là hiểm họa. Hiểm họa có nghĩa là những sự kiện có thể gây ra thiệt hại về người và của. Thông thường, hiểm họa đến từ 3 nguyên nhân chính. Đó là yếu tố nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh.
Ở đây, chúng ta thấy cùng với sự tăng trưởng dân số của Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội là một loạt sự mở rộng của các hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu đường, trường trạm từ các khu vực miền núi đến đồng bằng. Sự phát triển kinh tế - xã hội này đã có những tác động đến các loại hình thiên tai.
Thứ nhất là việc mở rộng các hệ thống đường giao thông và các loại cơ sở hạ tầng khác, kể cả các công trình thủy điện, công trình hồ chứa, làm tăng mất ổn định mái dốc và tăng tải trọng lên các khối trượt và điều này làm tăng nguy cơ sạt lở. Yếu tố thứ hai là chúng ta đang đối mặt với sự suy giảm về diện tích rừng nguyên sinh, suy giảm về cả số lượng và chất lượng.
Theo chuyên môn của chúng tôi, khi mất rừng nguyên sinh sẽ tăng tốc độ xói mòn bề mặt đất, đồng thời tăng hệ dòng chảy mặt. Đây cũng là nguyên nhân sẽ làm tăng mức độ và tần suất xuất hiện của hiện tượng như sạt lở, lũ quét. Yếu tố thứ ba là sự mở rộng của diện tích đất nông nghiệp ở các sườn dốc, cùng với đó là gia tăng lượng nước tưới kèm theo lượng rò rỉ của hệ thống nước tưới đã làm cho đất rất dễ bão hòa.
Bên cạnh đó là yếu tố về biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến hai yếu tố rất quan trọng trong quá trình gây ra hiện tượng thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất, đó là làm thay đổi chế độ mưa, đặc biệt là các loại mưa cực đoan, đồng thời là việc tăng nhiệt độ, kéo theo khá nhiều hệ lụy. Ví dụ như, tăng nhiệt độ sẽ tăng khả năng nguy cơ cháy rừng, và cháy rừng cũng là một trong những yếu tố gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất.
Do phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu theo hướng nóng hơn hay lạnh hơn, thì chúng ta đều phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để sản xuất và sinh sống. Để có nguồn năng lượng đó, sẽ yêu cầu con người chúng ta khai thác thêm các khoáng sản than, khí,… Những điều đó sẽ làm thay đổi cấu trúc của đất đá. Điều này cũng là một trong những yếu tố gây nên các hiện tượng thiên tai.
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên giúp người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên dựng lại nhà sau lũ. (Ảnh: HC) |
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, cũng như loại hình sạt lở đất, lũ quét thường đến rất bất ngờ, đột ngột và sức tàn phá mang tính khủng khiếp. Theo quan điểm của ông, chúng ta có thể nhận biết trước được các dấu hiệu lũ quét sắp đi qua địa bàn có người dân đang sinh sống hay không? Và nếu có thì các dấu hiệu này thường là gì?
PGS.TS Nguyễn Tiền Giang: Chúng ta đề cập đến sạt lở đất, lũ quét và mưa lớn. Đây là ba loại hiểm họa có quan hệ khá chặt chẽ, tương hỗ nhưng cũng đồng thời có thể sẽ xảy ra độc lập.
Đối với lũ quét, loại thứ nhất gọi là lũ quét sườn dốc. Lũ quét sườn dốc phát sinh chủ yếu do mưa lớn, đột ngột xuất hiện trên những sườn dốc cao độ của dốc lớn và nước lũ tập trung nhanh. Loại thứ hai gọi là lũ quét nghẽn dòng. Nghẽn dòng nghĩa là khi các vật liệu, đất, đá, cây cối bị cuốn trôi từ thượng nguồn xuống gây tắc nghẽn, đến lúc trọng lực và áp lực của nước tác động lên, đến một mức nào đó sẽ làm cho tắc nghẽn này được khơi thông và lúc đó động năng của dòng chảy tạo ra rất lớn, cuốn theo các vật liệu. Đây là loại lũ nghẽn dòng. Thứ ba là loại lũ hỗn hợp, là kết hợp của hai loại lũ trên hoặc là một số loại lũ khác. Ở loại lũ này gây tổn thất rất lớn.
Để nhận biết các loại lũ này, theo kinh nghiệm dân gian, chúng ta có thể nhận biết thông qua việc nước ở kênh rạch, sông suối ở cạnh bên nhà lên nhanh bất thường trong khi bắt đầu có mưa lớn. Dấu hiệu thứ hai là chuyển màu nước, đang từ màu nước trong chuyển thành màu nước đen hoặc nhiều rác, cũng là một dấu hiệu nhận biết để chúng ta kịp thời sơ tán. Thứ ba là người dân có thể nhận biết được thông qua các tiếng động lạ của hiện tượng đá tảng lăn, rơi; cùng với tiếng va đập, gãy của cây cối ở vùng thượng lưu có thể phát hiện được lũ quét. Thứ tư là xung quanh khu vực của người dân sinh sống, trước đó hoặc hiện nay đang có hiện tượng sạt lở đất thì giai đoạn sau, rất có khả năng xảy ra lũ quét. Ngoài ra, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cũng đã có nhiều tờ rơi hướng dẫn, nêu ra các hiện tượng và các dấu hiệu cảnh báo trước.
Nhưng tôi vẫn phải khẳng định, việc áp dụng khoa học công nghệ vào dự báo thiên tai vẫn luôn là yếu tố quan trọng để chúng ta cảnh báo, nhận diện một cách chính xác trước thiên tai để chúng ta sơ tán kịp thời.
PV: Thêm một câu hỏi xin được gửi đến Cục trưởng Phạm Đức Luận. Theo ông, để ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa hậu quả của thiên tai, trong đó có mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất,… chúng ta cần triển khai các giải pháp trước mắt và về lâu dài như thế nào?
Cục trưởng Phạm Đức Luận: Trước mắt, chúng ta phải rà soát lại các phương án, các kịch bản cũng như các kế hoạch triển khai ứng phó với thiên tai đã được phê duyệt, làm sao phù hợp với điều kiện thực tiễn, kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện lại để khi triển khai phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ như, kịch bản ứng phó khi bão mạnh, siêu bão vào, hoặc là nước dâng do siêu bão, hoặc tình trạng ngập lụt sâu kéo dài do ảnh hưởng của bão. Ví dụ như ở Sơn La, ở bản Chiềng Đen vừa qua bị ngập lụt, dự báo khoảng 2 tháng nữa, nước mới rút hết. Do đó, với các kịch bản, chúng ta phải rà soát lại để làm sao triển khai các giải pháp có hiệu quả.
Theo dự báo, từ nay đến tháng 9, tình hình mưa lũ ở khu vực miền núi còn diễn biến hết sức phức tạp. Chính quyền các địa phương vẫn cần tích cực và chủ động chỉ đạo, rà soát các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét. Ví dụ như khu vực người dân sống ven sông ven suối, các khu vực bà con sống ở khu vực phía dưới các ao nuôi trồng thủy sản ở trên núi. Khi mưa lớn tập trung, hồ nước ở trên bị vỡ, tràn nước, kéo theo hiện tượng domino, gây sạt lở, lũ quét ở khu vực phía dưới.
Bên cạnh đó, rà soát lại và kịp thời sơ tán các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, khi có cảnh báo mưa lớn, chủ động sơ tán. Đồng thời, rà soát lại, sử dụng các nguồn lực từ Trung ương và địa phương để bố trí, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để đảm bảo ổn định lâu dài.
Thứ nữa, tăng cường công tác thông tin đến người dân. Thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân; thông tin về mưa lớn và các khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là việc đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông cho bà con để người dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét biết bản thân đang sinh sống ở khu vực này chủ động phòng tránh.
Về căn cơ lâu dài, chính quyền các địa phương cần rà soát lại trên địa bàn, ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, làm sao khi di dời người dân cần kèm theo các điều kiện để bà con ổn định sản xuất, ổn định sinh sống ở khu vực mới mà bà con được di dời đến. Bởi có những trường hợp khi đã di dời bà con ra khỏi khu vực nguy cơ cao nhưng sau đó bà con vẫn về sinh sống ở khu vực này.
|
Theo PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, trước mùa mưa bão hằng năm, các chuyên gia và các nhà quản lý, các cấp địa phương cần rà soát lại các điểm có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét để tuyên truyền đến bà con. |
PV: Cùng nội dung câu hỏi trên, thưa PGS.TS Nguyễn Tiền Giang, theo ông, chúng ta cần triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất,… gây ra?
PGS.TS Nguyễn Tiền Giang: Khi nói về các giải pháp để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, có hai nhóm giải pháp, đó là nhóm giải pháp công trình và nhóm giải pháp phi công trình. Đối với nhóm giải pháp công trình là nhóm giải pháp mà con người tác động trực tiếp đến đối tượng gây hiểm họa. Với nhóm giải pháp phi công trình, chúng ta không tác động trực tiếp vào đối tượng gây hiểm họa.
Theo tôi, về các giải pháp trước mắt, chúng ta cần tập trung vào nâng cao kiến thức của người dân, các cấp chính quyền và địa phương về các loại hình thiên tai cũng như đặt các biển cảnh báo, tuyên truyền vận động bà con nâng cao cảnh giác, chuẩn bị các phương án ứng phó, di dời khi cần thiết. Đồng thời, trước mùa mưa bão hằng năm, các chuyên gia và các nhà quản lý, các cấp địa phương cần rà soát lại các điểm có nguy cơ cao để tuyên truyền đến bà con.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương thực hiện ngay các giải pháp công trình trọng điểm cấp bách trong khả năng để giảm thiểu nguy cơ thiên tai. Đặc biệt, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các dự án lớn mang tầm quốc gia để phân vùng thiên tai, cảnh báo theo thời gian thực cho các vùng nguy cơ thiên tai xảy ra trên toàn quốc.
Về lâu dài, Nhà nước cần có các chương trình nghiên cứu dài hạn về các hiện tượng sạt lở đất, lũ quét,… để nghiên cứu sâu về các loại hình thiên tai này.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cơ chế lồng ghép, ứng dụng các kết quả nghiên cứu từ các đề tài liên quan đến phòng chống thiên tai vào các quy hoạch cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã,…; huy động nguồn lực để thực hiện hóa quy hoạch này.
Thứ nữa, cần phát huy vai trò của các trường đại học lớn trong sự nghiệp phòng chống thiên tai của nước ta thông qua nghiên cứu giảng dạy về các kiến thức thiên tai, đặc biệt là các lĩnh vực khí tượng và thủy văn. Cuối cùng, đó là nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của các vị khách mời!./.