Các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá

Thứ năm, 28/10/2021 16:45
(ĐCSVN) – Một trong số các nhiệm vụ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá là thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá. Thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ này đã đạt được những kết quả nhất định.

Để thực hiện nhiệm vụ “Thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá”, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá  (gọi tắt là Quỹ) đã lên kế hoạch để thực hiện 03 nhóm hoạt động chính:

 Nhóm hoạt động thứ nhất: Thực hiện các nghiên cứu về tác động của việc trồng cây thuốc lá đối với sức khỏe của nông dân, môi trường; nghiên cứu đánh giá thực trạng vùng trồng cây thuốc lá, hiệu quả kinh tế trồng cây thuốc lá tại các tỉnh, thành phố của nước ta; tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng sức khỏe, môi trường từ việc trồng cây thuốc lá.

 Nhóm hoạt động thứ hai: đánh giá thực trạng chuyển đổi ngành nghề trồng cây thuốc lá tại các tỉnh, thành phố và các yếu tố liên quan đến việc chuyển đổi trồng cây thuốc lá; nghiên cứu, đánh giá các mô hình chuyển đổi hiệu quả và phù hợp tại các vùng trồng cây thuốc lá và đề xuất mô hình và lộ trình chuyển đổi ngành nghề;  

Nhóm hoạt động thứ ba: Xây dựng thí điểm các mô hình chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá.

 Một cánh đồng trồng cây thuốc lá tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

(Ảnh: Báo Công thương)

Trong  giai đoạn 2019 - 2020, Quỹ đã thực hiện các hoạt động thuộc Nhóm 1 và Nhóm 2, đó là: Phối hợp với Trường đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá tác động của việc trồng cây thuốc lá đến kinh tế và sức khỏe của người trồng cây thuốc lá”;  Quỹ hỗ trợ các tỉnh tổ chức được 108 lớp tập huấn cho 4.656 nông dân về tác hại thuốc lá và hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương... Công tác truyền thông cũng được lồng ghép trong các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông lưu động, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.

Năm 2019, Quỹ hỗ trợ Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đánh giá thực trạng trồng cây thuốc lá tại 7 tỉnh, thành phố trồng nhiều cây thuốc lá nhất và thực hiện đánh giá thực trạng về kinh tế hộ gia đình trồng cây thuốc lá và đề xuất một số giải pháp chuyển đổi ngành nghề.

Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy:  Cây thuốc lá hiện nay vẫn là cây trồng mang lại đầu ra ổn định và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lá thuốc lá. Tuy nhiên, người dân không mặn mà với việc trồng cây thuốc lá như trước đây, 76,4% các hộ gia đình có mong muốn chuyển đổi sang cây trồng khác, tuy nhiên, các hộ gia đình còn khó khăn trong việc xác định cây trồng có thể chuyển đổi.

Diện tích trồng thuốc lá ở đang có xu hướng giảm.  Nguyên nhân giảm diện tích trồng cây thuốc lá là do: trồng cây thuốc lá phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất độc hại có trong thuốc thẩm thấu, tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất trống trở nên bạc màu, cằn cỗi. Cây thuốc lá đòi hỏi cường độ lao động cao, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác. Vì vậy, năng suất cây thuốc lá và diện tích trồng trong vài năm gần đây có xu hướng giảm.

 Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, để chuyển đổi nghề cho nhóm lao động trồng cây thuốc lá thì cần có lộ trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và dựa trên diện tích đất trồng thuốc lá hiện có. Trước mắt, chuyển đổi dần các vùng trồng cây thuốc lá kém hiệu quả sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn theo hướng sản xuất hàng hoá có liên kết với doanh nghiệp.

 Trong giai đoạn tiếp theo: Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các hoạt động thuộc Nhóm hoạt động thứ ba: Nghiên cứu và xây dựng thí điểm các mô hình chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu về đề xuất các mô hình chuyển đổi ngành nghề, Quỹ sẽ hỗ trợ một số đơn vị triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi trồng cây thuốc lá sang các cây trồng khác có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời ít có ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân và ảnh hưởng đến môi trường . Trên cơ sở mô hình thành công, Quỹ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương...và các cơ quan chuyên môn ở địa phương để phổ biến nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả./.

Ngọc Lam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực