Cần hạn chế rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 20/06/2024 13:25
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để, chỉ được xếp vào danh sách “rác thải nguy hại” và thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với lượng rác thải nhựa tiêu thụ hàng năm tại các địa phương là khá lớn.
(Ảnh: K.V)

Hàng năm mỗi địa phương thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải này. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gấp 2-3 lần trồng lúa.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp có nhiều khởi sắc, trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành.

Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân. Mặc dù vậy, một vấn đề trong phát triển nông nghiệp hiện nay cần sớm được giải quyết đó là việc sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất còn rất lớn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni-lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Trong chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Theo ngành chức năng, Hiện có 45% rác thải nông thôn được thu gom, chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các bãi rác không hợp vệ sinh, trong đó có một tỷ trọng rất lớn đổ ra kênh, mương. Đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản thì vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của rác thải nhựa: Chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ, phao xốp để làm lồng bè… của người dân đều thải trên biển. Có những mẻ lưới gần bờ 4 phần cá thì 1 phần rác thải trong đó phần lớn là rác thải nhựa.

Tại một số địa phương đã tiến hành thu gom và xử lý rác thải này bằng hình thức đem đốt tại các lò đốt chuyên dụng của một số đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên lượng rác được thu gom và xử lý chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trong đồng ruộng. Ví dụ tỉnh Đồng Nai mới xử lý được khoảng trên 18 tấn trong khi hàng năm xả thải ra khoảng trên 100 tấn rác thải.

Lâm Đồng thựu hiện Mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV đạt nhiều kết quả tích cực

Ngoài ra, các tỉnh khác chưa đầu tư công nghệ xử lý thì mới thu gom vào các hố rác và nông dân đốt ở nhiệt độ chỉ vài trăm độ C thì sẽ không phân hủy hết mà thừa lại tàn dư bên ngoài môi trường (nguyên tắc, bao bì, chai lọ thuốc phải được đốt ở nhiệt độ 1.500 độ C mới tiêu hủy hết). Nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt ở những nơi chưa có bể thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc BVTV thì người dân bỏ lại góc ruộng, sau đó trôi nổi tự do ngoài môi trường.

Xuất phát từ hiện trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 đến năm 2025 trong trồng trọt giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Trong chăn nuôi giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…

Triển khai thực hiện kế hoạch, mục tiêu này nhiều địa phương trong cả nước đã phối hợp với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ TN&MT phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt nam (WWF-Việt Nam) hợp tác với Tổng cục Biển và Hải đảo tổ chức thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giảm thiểu sử dụng bao bì, túi nylon trong nông nghiệp, thực hiện Mô hình thu gom rác thải nông nghiệp, xử lý bao bì thuốc Bảo vệ thực vật.

Các địa phương tổ chức Lễ phát động phong trào thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Qua lễ phát động nhằm kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong việc quản lý, sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng “Đừng tiện đâu vứt đấy”, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và cải thiện hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái biển, đại dương, môi trường và sức khỏe con người./.

Bảo Châu - Xuân Lộc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực