Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội vào sáng 2/11 vừa qua. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương về dự luật quan trọng này.
Băn khoăn lương hưu thấp khi hạ thời gian đóng BHXH
Phóng viên: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Quốc hội. Theo đại biểu những đề xuất tại dự luật có tạo thêm cơ hội được tham gia BHXH cho nhiều người?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã bổ sung các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH…
Trong đó, cử tri rất quan tâm thông tin, với lần sửa đổi Luật này là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Theo tôi, điều này phù hợp với chủ trương của Đảng đã nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW là “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.
Đặc biệt, tại Điều 64 dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Theo tôi, quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục… đồng thời cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Tuy nhiên, với cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Đây là điều mà nhiều đại biểu và cử tri còn băn khoăn. Vì vậy, kiến nghị xem xét thiết kế mức đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của người lao động và cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương (Ảnh: Phạm Thắng) |
Hai phương án rút bảo hiểm một lần được cử tri quan tâm
Phóng viên: Cuối năm là thời điểm “làn sóng” rút BHXH một lần tăng cao, đặc biệt với các địa phương có nhiều doanh nghiệp như Bình Dương. Theo đại biểu, việc điều chỉnh tỉ lệ rút BHXH một lần tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) so với hiện hành có hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân: Vấn đề rút BHXH một lần là vấn đề rất quan trọng, được đông đảo người dân và doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là người lao động. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này đưa ra hai phương án và đề xuất Quốc hội cho ý kiến.
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 02 nhóm người lao động khác nhau, gồm:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần;
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp như đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Theo tôi, cả hai phương án trên làm cho nhiều cử tri rất quan tâm. Do vậy, trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá, tổng kết thực tiễn và lắng nghe ý kiến của nhiều cử tri, tôi cho rằng người lao động muốn rút BHXH 01 lần vì hoàn cảnh rất khó khăn, như trong dịch COVID-19 vừa qua, người lao động giãn việc, mất việc làm, họ phải chi tiêu nhiều thứ trong sinh hoạt gia đình, ốm đau, bệnh tật, lo cho con đi học hay để trả những khoản nợ đã vay….
Nghị quyết của Trung ương Đảng đã xác định phải tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH và giảm quyền lợi khi họ rút BHXH một lần nhằm hạn chế việc rút BHXH một lần. Như vậy, dự thảo Luật lần này cần thiết kế chính sách sao cho người lao động có quyền lựa chọn rút hay không rút BHXH một lần. Các chính sách, chế độ BHXH như thai sản, hưu trí, ốm đau, tử tuất… cần gia tăng quyền lợi, tinh giảm thủ tục, minh bạch và phục vụ tận tâm cho người lao động.
Đồng thời, tôi cho rằng cần thiết kế những chính sách tài chính hỗ trợ từ Quỹ BHXH khi người lao động gặp khó khăn, đồng thời, đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trong gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tiếp cận tốt hơn với đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng nhằm giúp người lao động tìm được công việc mới phù hợp với năng lực của người lao động nhanh hơn và do đó giảm nhu cầu rút tiền trợ cấp một lần để đảm bảo thu nhập, giúp họ có nguồn tiền hỗ trợ mà không phải rút BHXH 01 lần.
Cần phân biệt rõ hành vi, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp
Phóng viên: Dù các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tỉ lệ nợ BHXH tại các doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn còn rất cao. Thông qua giám sát cũng như quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chúng ta cần thực hiện quyết liệt vấn đề này ra sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân: Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH là vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài trong nhiều năm, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế chặt chẽ, làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện cho đến kiểm tra, giám sát, phải thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo tôi, trước hết cần tăng cường sự quản lý nhà nước về BHXH của UBND các cấp, đồng thời phát huy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan BHXH trong quản lý đóng BHXH, thu hồi nợ. Chuẩn hóa, số hóa dữ liệu này một cách đồng bộ, liên thông với quản lý doanh nghiệp, lao động, Thuế…. căn cứ vào cơ sở dữ liệu đã có để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình lao động, phân loại nợ theo tuổi nợ, đối tượng nợ để trên cơ sở đó quản lý, thu hồi nợ, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện bằng nhiều cách như: văn bản, email, kể cả công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, công khai qua kênh trực tuyến đến từng người lao động.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc giảm nợ BHXH và BHYT, cần có sự tăng cường chỉ đạo, trao đổi thông tin liên ngành để có thể xác định được những doanh nghiệp có khả năng chi trả, từ đó tập trung ưu tiên kiểm tra, nhất là những doanh nghiệp có số nợ lớn, cần có quy chế và biện pháp phối hợp chặt chẽ với Ngành Thuế, Công an, UBND địa phương trong quản lý, thu hồi nợ, công khai đến người lao động và các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp nợ BHXH.
Tôi cho rằng, giải pháp căn cơ nhất chính là hoàn thiện pháp luật cho đồng bộ để xử lý được hành vi chậm, trốn đóng BHXH, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Hiện nay, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội danh chậm, trốn đóng BHXH, nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây cũng là điểm nghẽn khiến chưa vụ nào bị xử lý hình sự dù cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 328 vụ từ năm 2018 đến 2022.
Theo BHXH Việt Nam cho biết: gần một nửa vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tôi cho rằng, khi sửa đổi Luật BHXH, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là hành vi chậm đóng, trốn đóng, cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân, chế tài mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Cử tri Bình Dương kiến nghị pháp luật cần phân biệt rõ hành vi, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp chỉ dựa trên số tiền mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động theo quy định của pháp luật. Riêng số tiền của lao động mà doanh nghiệp thu hộ nhưng không đóng phải cho đó là hành vi chiếm dụng BHXH của người lao động, cần quy định rõ thời gian, dấu hiệu nhận biết và chế tài của các hành vi cụ thể./.