Cẩn trọng với nguy cơ lây bệnh dại từ chó, mèo

Thứ bảy, 06/04/2024 20:26
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, bệnh dại do chó, mèo có dấu hiệu bùng phát ở nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng khuyến cáo, bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người mắc bệnh dại sẽ tử vong với tỷ lệ 100%. Do đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ tử vong vì bệnh dại.

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch chó dại. Cụ thể, cơ quan chức năng địa phương đã ghi nhận 2 ổ dịch ở huyện Trảng Bom, 1 ở huyện Định Quán và 1 tại huyện Nhơn Trạch. Tổng cộng gần 10 người bị chó dại cắn. Điển hình là tại địa bàn ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, chỉ trong ngày 19/2 đã có đến 2 trường hợp bị chó dại cắn. Đó là bà V.T.K.L. (50 tuổi) bị chó dại cắn 1 vết vùng cẳng chân trái, vết thương nông, có chảy máu ít. Bà L. đã tiêm 1 mũi vaccine phòng dại và một mũi huyết thanh kháng dại. Trường hợp thứ 2 là bé N.H.P. (3 tuổi) bị chó dại cắn nhiều vết, vùng gót chân trái chảy máu nhiều. Bé được tiêm 1 mũi vaccine phòng dại và 1 mũi huyết thanh kháng dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Tương tự, tại tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, đã xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm… Được biết, trong vòng 10 năm qua, tại Thanh Hóa, bệnh dại đã làm chết 31 người và 85.145 người phải điều trị dự phòng bệnh dại. Trung bình hằng năm, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại.

Tính chung trên địa bàn cả nước, trong năm 2023 vừa qua, bệnh dại đã làm 82 người chết trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. Còn trong 2 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã ghi nhận 17 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023). Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh dại gia tăng trên địa bàn là do chưa quản lý được đàn chó, mèo, tình trạng chó thả rông còn phổ biến; công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại các địa phương chưa chính xác dẫn đến tỉ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine phòng bệnh dại thấp; vi rút dại còn lưu hành trên động vật; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông; lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế...

 Một người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. (Ảnh: CDC Đồng Nai).

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nguyên nhân cốt lõi, số một là do các địa phương chưa quản lý được đàn chó, công tác tiêm phòng dại còn "chưa đến nơi, đến chốn". Cả nước trung bình mới tiêm phòng dại đạt 53% trên tổng đàn chó. Cá biệt, nhiều tỉnh mới chỉ tiêm phòng dại trên đàn chó dưới 10% như: Quảng Bình, Hậu Giang, Bình Định, Quảng Nam. "Với tình hình quản lý, tiêm phòng chó dại như hiện nay, trong khi đó mầm bệnh dại còn lưu hành rất nhiều đã dẫn đến bùng phát các ổ dịch chó dại trong thời gian qua", Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh.

Trước thực tế nói trên, để ngăn ngừa, kiểm soát hiệu quả bệnh dại trên địa bàn, giảm thiểu nguy cơ tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, nhiều tỉnh, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt. Điển hình như tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị yêu cầu lãnh đạo, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực để phòng chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, chú trọng xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, tiêm vaccine bệnh dại cho chó, mèo; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh dại. Đảm bảo việc tiếp cận vaccine phòng bệnh dại cho người, phổ biến các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tăng cường công tác quản lý, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; xử lý nghiêm những trường hợp thả rông chó, mèo theo quy định với các trường hợp vi phạm…

Có một thực tế đáng lưu ý đó là đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người mắc bệnh dại sẽ tử vong với tỷ lệ 100%.

Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

 Cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân đối với bệnh dại lây từ chó, mèo. (Ảnh chụp màn hình).

Trường hợp không may bị chó mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cào, cần sơ cứu vết thương để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay tại nhà gồm: Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i-ốt; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Sau bước sơ cứu, cần đến ngay cơ sở tiêm chủng gần nhất để được thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tuyệt đối không nên nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến vi rút dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể. Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc Nam để chữa trị.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường những biện pháp phòng, chống bệnh dại; cần thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân về công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó. Đặc biệt, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phê phán, "lên án" các đối tượng nuôi chó nhưng "cố tình" không quản lý, thả rông, dẫn tới việc chó cắn người và gây bệnh dại, tử vong.

Đồng thời, trong công tác quản lý nhà nước, cần tổ chức kiểm điểm các địa phương không tổ chức quản lý chặt và tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó có thấp hoặc các địa phương để nhiều người tử vong do bệnh dại; gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp.

Nhà nước không cấm nuôi chó, mèo nhưng khi nuôi người dân phải có trách nhiệm với bản thân, người thân trong gia đình và xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại liên quan đến chó, mèo./.

Nguyễn Dinh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực