“Chi hội số” - Điểm tựa của phụ nữ Hoàng Su Phì

Thứ ba, 17/09/2024 21:39
(ĐCSVN) - “Chi hội số” là một sáng kiến do Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì triển khai. Mô hình vừa là sợi dây liên kết để chị em kịp thời hỗ trợ nhau khi sống xa nhà, vừa góp phần khắc phục tình trạng giảm số lượng hội viên ở vùng nông thôn.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tổ chức ra mắt điểm mô hình “Chi hội số” - gặp mặt phụ nữ đi lao động ngoài địa bàn” tại xã Thèn Chu Phìn, một xã có đông đồng bào Mông và nhiều chị em rời nhà đi làm ăn xa. Buổi gặp mặt diễn ra với sự có mặt của đại diện cấp ủy, chính quyền xã; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội LHPN các xã trong huyện để học tập, rút kinh nghiệm, đảm bảo triển khai nhân rộng ra tất cả các xã trên địa bàn trước ngày 15/1/2024 (Âm lịch) - thời điểm hội viên tiếp tục rời địa bàn đi làm ăn.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hội LHPN huyện và lãnh đạo xã Thèn Chu Phìn đã hỏi thăm tình hình cuộc sống khi đi lao động xa nhà, việc sắp xếp nhà cửa, cha mẹ già, con nhỏ ở lại địa phương, mức thu nhập, chế độ đãi ngộ, bảo hiểm, bảo hộ lao động... của các lao động nữ. Đây cũng là cơ hội để chị em cởi mở chia sẻ về tình hình của bản thân và trao đổi cách thu xếp việc nhà khi đi làm ăn xa.

Biểu quyết thành lập “Chi hội số” tại xã Thèn Chu Phìn

Sau buổi ra mắt mô hình điểm, 24 “Chi hội số” thuộc 24 xã, thị trấn trong huyện đã được khẩn trương thành lập theo đúng tiến độ Huyện Hội đề ra, đó là trước ngày 15/1 (âm lịch) - thời điểm chị em lại rời nhà đi làm ăn xa. Hội viên tham gia “Chi hội số” là các chị em từ đủ 18 tuổi, có hộ khẩu tại xã, thị trấn trong huyện, đang đi lao động ngoài địa bàn, có nguyện vọng tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ. Theo tiêu chí này, tính từ thời điểm thành lập đến nay, số lượng hội viên “Chi hội số” là 384 chị trên tổng số 587 phụ nữ rời địa phương đi lao động. Môi trường “số” là các nhóm trên mạng xã hội Zalo.

Chị Xạ Thị Xuân được giao đảm nhận trọng trách Chi hội trưởng “Chi hội số” xã Tân Tiến cho biết, tiêu chuẩn để giữ cương vị này phải là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã nhằm đảm bảo việc kết nối, nắm bắt tình hình hội viên và triển khai các hoạt động công tác Hội; chủ động cập nhật thông tin trên nhóm Zalo; có kỹ năng điều hành sinh hoạt chi hội; có khả năng thuyết phục, tập hợp hội viên.

Còn theo chị Nông Thị Bộ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến, tham gia “Chi hội số”, chị em tổ chức các hoạt động theo Điều lệ Hội trên ứng dụng Zalo bằng cách đăng tải, tương tác, trao đổi thông tin cần thiết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự có thể tác động trực tiếp đến hội viên; cập nhật những câu chuyện, bài học mang tính giáo dục, nêu gương nhằm định hướng tư tưởng cho chị em khi đi làm ăn xa nhà; gửi các thông tin liên quan đến tuyển dụng lao động, mức thu nhập, chế độ đãi ngộ... để hội viên biết, tham khảo lựa chọn công việc phù hợp. Hội Phụ nữ xã, thị trấn có trách nhiệm nghiên cứu cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện hỗ trợ người lao động khi đi lao động ngoài tỉnh để tư vấn cho hội viên thụ hưởng quyền lợi; kịp thời hỗ trợ gia đình hội viên có người nhà neo đơn, con nhỏ, gặp tình huống bất trắc... Bên cạnh đó, có hình thức tập hợp, liên kết kinh tế, xây dựng mô hình phát triển kinh tế giữa các hội viên. Qua nghe phổ biến nội dung, hình thức sinh hoạt như vậy, các chị em đi làm xa nhà đều nhận thấy sự liên kết đó là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu chính đáng nên nhất trí cao việc thành lập “Chi hội số”.

Bà Lù Thị Lâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, mô hình  “Chi hội số” ra đời là một sáng kiến của Huyện Hội trước thực trạng hội viên đi làm ăn xa ngày càng nhiều, dẫn đến việc tổ chức sinh hoạt Hội ngày càng khó khăn; một số hội viên xin thôi không tham gia Hội do không có mặt tại địa phương để sinh hoạt theo đúng Điều lệ, dẫn đến giảm số lượng hội viên.

Mặt khác, theo bà Lâm, phụ nữ ở địa phương còn nhiều hạn chế về trình độ, nhận thức xã hội nên việc rời địa bàn đi làm ăn xa được dự báo trước là sẽ gặp nhiều khó khăn như không nắm được thông tin tuyển dụng lao động chính thống từ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; nguy cơ bị bóc lột sức lao động, không đảm bảo chế độ đãi ngộ, bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe; cá biệt có trường hợp bỏ bê nhà cửa, cha mẹ già, con nhỏ. Về phía cấp ủy, chính quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý công dân. Vì thế, rất cần có giải pháp để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này.

Sau hơn nửa năm “Chi hội số” đi vào hoạt động, bà Lù Thị Lâm thông tin những kết quả hết sức khả quan. Đó là các nhóm Zalo đã nhận được trên 4.000 lượt tương tác trao đổi giữa chi hội trưởng và thành viên, giữa các thành viên với nhau; 27 câu chuyện tấm gương, bài học cảnh giác, 274 lượt đăng tải văn bản về chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi, lao động, việc làm; 104 hội viên tìm được việc làm phù hợp qua thông tin nắm bắt trên nhóm; 92 chị liên kết với nhau, hình thành 17 nhóm làm việc cùng nhau tại các công ty, nhà máy để tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống; 02 chị được giúp đỡ đưa đi viện lúc ốm đau.

Hội Phụ nữ xã, thị trấn cũng đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến gia đình, thân nhân của hội viên đi làm ăn xa, nhất là gia đình có người già, con nhỏ, người ốm. Thời gian qua, đã có 27 sự trợ giúp của Hội phụ nữ xã và hội viên ở lại địa bàn với các gia đình hội viên đi làm ăn xa như: đưa người nhà bị ốm đi viện, mua thuốc cho con nhỏ bị ốm, đưa con đi tiêm phòng… giúp hội viên xa nhà yên tâm làm việc và làm tăng tính liên kết cộng đồng giữa các hội viên.

Tất cả các xã, thị trấn ở huyện Hoàng Su Phì đã thành lập được "Chi hội số" 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòe - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thèn Chu Phìn cho rằng, mục đích của phụ nữ đi làm ăn xa là để tích lũy kinh tế cho gia đình, khi đủ vốn sẽ quay trở về địa phương ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Vì vậy, “Chi hội số” cần có giải pháp vận động góp vốn quay vòng giữa các hội viên để giúp nhau hoàn thành mục tiêu kinh tế của gia đình, thông qua hoạt động góp vốn mua cây, con giống, làm nhà… Theo cách này, bước đầu, các chị trong Chi hội ở xã Thông Nguyên đã thành lập được 01 nhóm liên kết góp vốn quay vòng để phát triển kinh tế hộ gia đình…  

Đối với hình thức sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ Hội, các “Chi hội số” tổ chức sinh hoạt theo hình thức gọi nhóm Zalo, mỗi nhóm đã sinh hoạt 02 lần vào quý I và quý II. Nội dung sinh hoạt chủ yếu là triển khai các văn bản của cấp trên; Chi hội trưởng trao đổi thông tin về tình hình địa phương và khuyến khích hội viên tăng cường thông tin tình hình lao động, việc làm, chế độ... tại nơi làm việc để các hội viên cùng nắm bắt, có giải pháp hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Theo bà Lâm nhận xét, di cư khỏi địa bàn để tìm sinh kế của phụ nữ nông thôn là tất yếu, là nhu cầu chính đáng và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên việc này sẽ kéo theo một số hệ lụy như việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội dung công tác Hội đến hội viên làm ăn xa chưa kịp thời. Đặc biệt, việc duy trì sĩ số hội viên là một thách thức đối với công tác Hội ở vùng nông thôn. Ngoài ra, một số chị em không biết nói tiếng phổ thông sẽ là yếu thế khi rời địa bàn đi làm ăn xa. Nếu không có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên thì sẽ dẫn đến nhiều bất cập, ảnh hưởng đến cuộc sống lao động xa nhà của chị em. Mặt khác, cũng do trình độ, nhận thức chưa cao nên dù đã rời địa bàn nhưng ít chị em khai báo với chính quyền và Công an… Thực tế này đòi hỏi các cơ sở Hội cần có sự quan tâm, vào cuộc để phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đảng của hội viên nói riêng và lao động nữ nói chung và góp phần cùng chính quyền địa phương quản lý công dân đi lao động ngoài địa bàn.

Với cách thức thành lập và phương châm vận hành là lấy người phụ nữ đi lao động xa nhà làm trung tâm, mô hình “Chi hội số” đã giải quyết được căn bản các vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa là sợi dây liên kết để chị em chia sẻ thông tin, kịp thời hỗ trợ nhau khi sống xa nhà, cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý công dân đi lao động ngoài địa bàn, vừa góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Việc thành lập mô hình “Chi hội số” tuy làm tăng số chi hội ở cơ sở song vẫn đúng theo Điều lệ Hội mà lại đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Mô hình được cấp ủy, chính quyền quan tâm, được các phụ nữ đi làm ăn xa đồng tình ủng hộ và có thể nghiên cứu tham khảo nhân rộng ở các vùng nông thôn./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực