Chủ động, sáng tạo, sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Thứ sáu, 12/02/2021 20:44
(ĐCSVN) - Sau những gì thiên tai xảy ra trong năm 2020, cần luôn trong tình thế chủ động, sáng tạo, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất thường; chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện...

Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề về diễn biến thiên tai trong năm 2020 và chuẩn bị các giải pháp cho ứng phó cho năm 2021.

 Ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai

(Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai)

Phóng viên (PV): Năm 2020 là một năm ghi nhận thiên tai ở nước ta diễn ra rất khốc liệt với nhiều hình thái khác nhau, đặc biệt là tác động của các cơn bão mạnh, lũ lụt ở mức lịch sử,…Vậy, ông có đánh giá như thế nào về thiên tai diễn ra trong năm 2020 vừa qua?

Ông Phạm Đức Luận: Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền trong cả nước. Theo thống kê của chúng tôi, đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó gồm có: 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt là 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Đồng thời, trong năm 2020 còn có 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…

Đáng chú ý, trong vòng gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng. Bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường, đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Lũ lớn xảy ra trên toàn tuyến 16 sông chính, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, bão chồng bão, lũ chồng lũ đã và đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài, và cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người bị thương, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 39.945 tỷ đồng.

PV: Sau đợt thiên tai năm 2020 diễn ra, chúng ta đã đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, nhiệm vụ bảo vệ xã hội an toàn trước thiên tai càng trở lên bức thiết. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn quá thiếu, chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu, sức chống chịu của cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế song nhìn nhận lại, chúng ta vẫn đạt được những kết quả cơ bản trong phòng chống thiên tai.

Do vậy, sau những gì thiên tai xảy ra trong năm 2020, chúng tôi thấy rõ cần luôn trong tình thế chủ động, sáng tạo, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất thường của thiên tai. Cùng với đó là việc cần thiết chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống thiên tai.

Đặc biệt, cần chủ động theo dõi, giám sát diễn biến tình hình thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phổ biến đến cộng đồng. Và cần thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ gồm: ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, công nghệ vật liệu mới,…trong phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu, đề xuất trình lãnh Chính phủ, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp chỉ đạo, điều hành tối ưu góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Và một điểm không thể thiếu đó là nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho cộng đồng. Về điều này, Đề án 1002 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2020, chúng tôi đã tổ chức tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cho 3.097 lượt cán bộ và người dân 3 cấp tỉnh, huyện, xã cho 18 tỉnh, thành phố trong đó có cả người khuyết tật .

 Diễn tập phòng chống thiên tai năm 2020 tại Tam Nông, Phú Thọ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuấn Dũng

Điểm đáng chú ý nữa là không thể thiếu công tác truyền thông trong phòng chống thiên tai. Trong năm 2020, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Phóng viên với phòng chống thiên tai”. Năm 2020 có khoảng 100.000 bài báo, riêng trong đợt mưa lũ từ tháng 9 đến tháng 10 trung bình mỗi ngày có khoảng 407 bài.

Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương, khu vực và địa phương đẩy mạnh truyền thông qua nhiều hình thức như: xây dựng 35 phim tài liệu, phóng sự và rất nhiều các clip, bài dân ca, tiểu phẩm, tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai dễ hiểu, dễ nhớ phù hợp với đặc thù thiên tai các vùng miền, đồng thời cung cấp cho cơ quan phòng chống thiên tai và chính quyền địa phương để phổ biến, tuyên truyền.

Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động phối hợp để nhắn tin SMS tới 104 triệu thuê bao cảnh báo thiên tai tới người dân khu vực bị ảnh hưởng…Và những công tác này sẽ cần được phát huy trong thời gian tới nếu thiên tai tiếp tục diễn ra.

PV: Tính đến nay, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai tại nước ta đang được thực hiện như thế nào, đặc biệt để đảm bảo cho người dân chịu thiệt hại do thiên tai có điều kiện được đón Tết Nguyên đán, thưa ông ?

Ông Phạm Đức Luận: Ngay sau các đợt thiên tai, chúng tôi đã tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh.

Đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ gần 2.161,8 tỷ đồng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất.

Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ 55 quốc gia và tổ chức quốc tế với tổng kinh phí 25,06 triệu USD (tương đương 583,5 tỷ đồng) cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Đi cùng với các công tác trên, chúng tôi thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả phân bổ nguồn lực hỗ trợ và việc triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương kịp thời, hiệu quả, minh bạch để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đồng thời, chúng tôi cùng tham gia vào công tác tham mưu các giải pháp phục hồi tái thiết sau thiên tai như: hướng dẫn phục hồi sản xuất nông nghiệp, sửa chữa, xây dựng nhà ở; khắc phục công trình sạt lở ven biển; tái định cư khu vực sạt lở miền núi,…

PV: Xin ông cho biết thêm những nhận định về tình hình thiên tai trong năm 2021?

Ông Phạm Đức Luận: Thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, đã và đang gây tổn thất rất nặng nề trên thế giới. Nhiều quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ và năng lực phòng chống thiên tai song vẫn bị thiệt hại rất nặng nề. Bên cạnh đó dịch COVID-19 ở các nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Các thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán…vượt lịch sử có nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Đó là thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng chống thiên tai nói riêng, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai của chúng ta phải ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả hơn.

PV: Trước tình hình thiên tai được dự báo vẫn còn những diễn biến khó lường và phức tạp, theo ông, chúng ta cần chuẩn bị những giải pháp gì để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là đối với sự bất thường của lũ lụt và sạt lở đất ở mức bất ngờ?

Ông Phạm Đức Luận: Trước những thách thức lớn đặt ra đối với công tác phòng chống thiên tai trong năm 2021, chúng tôi xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm: Rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, cơ chế chính sách,... một cách bài bản, toàn diện. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.

Một nhiệm vụ quan trọng là cần nâng cao năng lực của các cơ quan phòng chống thiên tai. Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm điều hành, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp với thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai; bổ sung, tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, giỏi nghiệp vụ, không sợ khó khăn nguy hiểm.

Đặc biệt, rất cần nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng chống thiên tai, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra như: hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền... Trước mắt là cần nâng cấp các công trình xung yếu, đã bị hư hại trong đợt thiên tai vừa qua bằng các nguồn dự phòng ngân sách, đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn ODA.

Một nhiệm vụ thêm nữa là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt và hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng đến công tác đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai.

Và một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong đó phát triển lực lượng xung kích cơ sở và đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng nhất là phương án chỉ đạo ứng phó với lũ lớn trên một số hệ thống sông. Phối hợp và triển khai hoạt động thông tin, truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh từ Trung ương đến địa phương để đưa tin về tình hình thiên tai, hướng dẫn, tuyên truyền tới cộng đồng việc chủ động ứng phó, đặc biệt là trong các tình huống thiên tai khẩn được nhanh chóng kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bùi Thủy (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực