Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hồng Linh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).
Từ năm 2011, huyện Chư Sê bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Kế hoạch của Chương trình này là phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 4 xã đầu tiên của huyện về đích NTM và đến năm 2020 là 11/14 xã, thị trấn cũng sẽ về đích. Tuy nhiên, so với điều kiện thực tế và yêu cầu để thực hiện của địa phương, Chư Sê gặp rất nhiều khó khăn nếu không có các giải pháp đột phá. Ngay từ đầu, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định, yếu tố nội lực, sự quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân có ý nghĩa quyết định để Chư Sê hoàn thành mục tiêu .
Nhận thức rõ yêu cầu, thách thức đặt ra, từ tháng 10/2011, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Chương trình hành động để chỉ đạo, kêu gọi các cấp, các ngành và toàn dân cùng vào cuộc, tích cực hưởng ứng Chương trình mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn. Từ tháng 5/2012, Huyện ủy cũng tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 196 của UBND tỉnh Gia Lai về tổ chức thực hiện phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” để huy động các nguồn lực từ xã hội và nhân dân đóng góp cho Chương trình này.
Đến nay, tại các thôn xóm ở Chư Sê, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước,
người dân địa phương còn đóng góp ngày công, tiền của và cả vườn ruộng, cây trồng....
để cùng với xã làm đường giao thông nông thôn
Trong quá trình tổ chức thực hiện, tại 14/14 xã của huyện, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, thôn; nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về xây dựng NTM được triển khai, giúp đội ngũ cán bộ xã, thôn và người dân nâng cao nhận thức, triển khai có hiệu quả các mô hình liên quan đến xây dựng NTM; các phong trào thi đua trong nhân dân được phát động.., Từ đó, ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân ủng hộ ngày công, tiền của, đất đai, hoa màu… cho địa phương để có thêm nguồn lực xây dựng NTM.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Linh, ngay trong năm đầu tiên bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2011), Chư Sê đã hoàn thành đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM để cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó công bố rộng rãi để nhân dân biết chủ động thực hiện.
Trên cơ sở các đồ án quy hoạch và đề án của từng xã, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở các địa phương đã vào cuộc khá tích cực, nhất là trong chỉ đạo, áp dụng, triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương; triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: Đường, điện, trường, trạm, chợ… phục vụ nhu cầu dân sinh, đồng thời tạo điểm nhấn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
“Từ năm 2011 đến nay, tất cả 14/14 xã trong huyện đã hoàn thành việc rà soát diện tích cây trồng tập trung để đưa cơ giới vào sản xuất, xây dựng các cách đồng mẫu lớn; đồng thời phát huy, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, từng bước mở rộng diện tích canh tác, phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như: Hồ tiêu, cà phê, ngô, sắn, bông vải… mang thương hiệu Chư Sê”- đồng chí Nguyễn Hồng Linh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Chư Sê chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, đến nay, toàn huyện có trên 2.496 ha hồ tiêu gắn với 2 nhà máy chế biến cung cấp nguyên liệu hồ tiêu thành phẩm trên địa bàn với công suất sản xuất 10.000 tấn sản phẩm/năm; hơn 8.000 ha cà phê, đủ cung cấp nguyên liệu cho 21 cơ sở chế biến cà phê bột và cà phê nhân của huyện và tỉnh; hơn 2.150 ha ngô, sản lượng đạt hơn 11.000 tấn/năm, là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong tỉnh và một số tỉnh thuộc Tây Nguyên; gần 950 ha sắn là nguồn nguyên liệu ổn định hằng năm cung cấp cho nhà máy sản xuất tinh bột sắn của tỉnh; hơn 100 ha bông vải đủ công cấp nhiên liệu bông cho nhà máy bông của huyện.
Trong khi đó, đàn gia súc trên địa bàn huyện cũng ngày càng phát triển; nhất là đàn bò với hơn 18.800 con (trong đó có 01 trang trại có tổng đàn hơn 2.000 con, tỷ lệ bò lai hơn 22%), đàn lợn hơn 40.000 con (có 03 trang trại nuôi quy mô lớn từ 50 đến 200 lợn nái/trang trại, tỷ lệ lai hơn 60%) là nguồn nguyên liệu thịt và giống gia súc lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường tại huyện và tỉnh Gia Lai mấy năm trở lại đây.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Chư Sê đã xây dựng được 77 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, trong đó tập trung chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình sản xuất hiệu quả này đang được các địa phương tiếp tục nhân rộng, như: Mô hình sản xuất cà phê bền vững, mô hình trồng hồ tiêu sạch cho thu nhập bình quân từ 100 đến 140 triệu đồng/hộ/năm, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện theo từng năm; cụ thể năm 2011 là 8,97 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 tăng lên 18,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi).
Tại địa bàn huyện, hiện có 1 hợp tác xã nông nghiệp với 9 tổ hợp tác tại 9 xã của huyện; 3 tổ hợp tác đánh bắt cá tại xã Ayun, 01 tổ hợp tác sản xuất cà phê tại xã Chư Pơng và các hộ dân là thành viên tham gia sản xuất cà phê thuộc Công ty cà phê tỉnh. Ngoài ra, Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn các hộ dân sản xuất hồ tiêu đảm bảo đúng quy trình về hồ tiêu an toàn.
Tại các cánh đồng ở Chư Sê, trong mùa khô vừa qua, các con kênh bê tông
do người dân và chính quyền xã xây dựng đã mang đến những dòng nước "giải khát",
giúp cây trồng vượt qua nắng hạn
Bên cạnh các mô hình sản xuất trên, theo Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Chư Sê, trong 5 năm qua (2011-2015), Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã lồng ghép, tổ chức được 58 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.740 lao động nông thôn của huyện; 145 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật nông nghiệp cho hơn 5.300 lượt nông dân tham gia; 02 lớp tập huấn cho 250 lượt đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện để phổ biến một số nội dung, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Để đảm bảo nguồn lực phát triển cho các mô hình sản xuất kể trên, trong 5 năm qua, huyện Chư Sê đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, tỉnh và địa phương hơn 1.782 tỷ 021 triệu đồng; trong đó vốn trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 2.170 triệu đồng, vốn lồng ghép các chương trình có liên quan 36.040,8 triệu đồng, vốn nhân dân vay tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất 1.738 tỷ 178,13 triệu đồng, vốn do doanh nghiệp đóng góp 1.720 triệu đồng, vốn nhân dân đối ứng 842,6 triệu đồng...
Từ các nguồn vốn đầu tư trên, đến nay, Chư Sê đã làm mới, cải tạo và nâng cấp gần 200 km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới và nâng cấp 15 công trình thủy lợi; kiên cố hóa 43,94 km kênh mương; làm mới và nâng cấp trên 31 km đường dây điện trung thế và hạ thế; nâng cấp, xây mới 199 phòng học các cấp, 18 nhà văn hóa xã và thôn, làng; xây dựng, cải tạo, nâng cấp 4 chợ; xây mới 15 công trình cấp nước sinh hoạt, 3 trụ sở làm việc của xã; xóa 1.365 nhà tạm cho các hộ thuộc diện nghèo và gia đình chính sách.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Hồng Linh, mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, song trên địa bàn huyện, việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là tại các xã (thuộc vùng I, khu vùng II, vùng III) chưa đồng bộ và chưa đồng đều. Đặc biệt, ở các xã vùng III có tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khá chậm do điều kiện kinh tế của nhân dân còn thấp, việc đóng góp đối ứng và nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Từ phong trào xây dựng NTM, tại nhiều xã trạm y tế được nâng cấp, xây mới,
làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương
Ngoài những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng trên địa bàn, hoạt động của hệ thống chính trị tại Chư Sê mấy năm gần đây có nhiều chuyển biến đáng kể. Trong đó, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn đã được nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từ đó không ngừng nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã luôn được kiện toàn, trưởng thành về nhiều mặt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở đạt chuẩn được quan tâm hơn. Hoạt động của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể luôn có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, được nhân dân tin tưởng. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để Chư Sê làm tốt công tác dân vận, xây dựng các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương khá tốt…
Với những nỗ lực trên, đến cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới toàn huyện Chư Sê đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 4 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, căn cứ vào các tiêu chí của Bộ tiêu chí Xây dựng NTM do Bộ NN&PTNT đưa ra, đến nay, Chư Sê có 14/14 xã đạt tiêu chí nhóm I (quy hoạch); 4/14 xã đạt tiêu chí nhóm II (phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội); 04/14 xã đạt tiêu chí nhóm III (kinh tế, tổ chức sản xuất); 04/14 xã đạt tiêu chí nhóm IV (văn hóa, xã hội, môi trường); 8/14 xã đạt tiêu chí nhóm V (hệ thống chính trị)./.