Chú trọng đảm bảo an toàn giao thông trong những tháng cuối năm

Thứ tư, 16/10/2019 19:03
(ĐCSVN) - Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được Chính phủ dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Trong 9 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí.

Đó là nhận xét của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được tổ chức vào chiều ngày 16/10.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người; gây nhiều lo lắng cho nhân dân, nhất là trong những tháng đầu năm 2019 liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu bia và chất kích thích, gây bức xúc trong dư luận.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ rõ những tồn tại yếu kém, nhất là đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại kỳ họp sơ kết ATGT 6 tháng đầu năm vừa qua để từ đó có giải pháp hiệu quả, không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải, nhất là vào dịp cuối năm.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác đảm bảo TTATGT mà phần lớn là chống lại CSGT diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng vi phạm hết sức manh động, liều lĩnh và coi thường pháp luật. Trong 9 tháng đầu năm đã xảy ra 27 vụ, làm 01 đồng chí hy sinh, 12 đồng chí bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 38 đối tượng.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu, TNGT toàn quốc xảy ra 12.675 vụ TNGT, làm chết 5.659 người, bị thương 9.619 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 567 vụ (-4,28%), số người chết giảm 353 người (-5,87%), số người bị thương giảm 700 người (-6,78%).

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Phân tích trên 7.319 vụ cho thấy: Có 22,84% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,41% do vi phạm tốc độ xe chạy; 9,73% do chuyển hướng không chú ý; 6,1% do không nhường đường; 5,64% do vượt xe sai quy định; 6,8% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,45% do tránh xe; 1,86% do sử dụng rượu bia; 1,98% do người đi bộ; 35,24% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có Giấy phép lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật,...

Trong 9 tháng đầu năm, có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 22 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Lào Cai, An Giang, Bến Tre, Lai Châu, Đăk Nông, Phú Yên, Đồng Tháp, Cao Bằng, Bình Định, Nam Định, Kon Tum, Quảng Trị, Cà Mau, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Gia Lai, Sơn La, thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt: Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Lào Cai, An Giang, Bến Tre giảm trên 30% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018, trong đó 06 tỉnh tăng trên 10% là: Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Khánh Hòa.

Ngoài ra, tình hình ùn, ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý; tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra ùn, ứ giao thông trong các đô thị. Trong 9 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng này trên các trục giao thông chính, trong các đô thị, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực