Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Phải nhanh hơn, mạnh hơn

Thứ ba, 18/01/2022 19:41
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lưu ý, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải tập trung thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Ngày 18/1, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị Triển khai nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp năm 2022. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo hội nghị 

Theo Tổng cục GDNN, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng hoạt động giáo dục nghề nghiệp vẫn được thực hiện, triển khai một cách linh hoạt, thích ứng trong tuyển sinh, đào tạo duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, về kết quả tuyển sinh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%). Tốt nghiệp ước đạt 1.658.400, đạt 80% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 314.720 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.343.680 người). Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch... Nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp; việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN còn hạn chế, các chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt muộn.

Về mạng lưới cơ sở GDNN, năm 2021, cả nước giảm 08 cơ sở GDNN công lập (gồm: 03 trường cao đẳng và 05 trường trung cấp) và tăng 01 trung tâm GDNN, theo đó cả nước có 1.904 cơ sở GDNN (giảm được 07 cơ sở so với năm 2020 và giảm được 11% số lượng cơ sở GDNN công lập); từng bước giảm sự trùng lặp về ngành, nghề đào tạo, giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN.

Về rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, theo Tổng cục GDNN, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mạng lưới các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước được nâng cao năng lực; đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm; cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao; công tác quản trị nhà trường được đổi mới và hiệu quả hơn. Tổng cục cũng tiếp tục rà soát, đánh giá, lựa chọn trường nghề có năng lực đào tạo tốt để hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, 2021 là năm vô cùng khó khăn; trong bối cảnh dịch bệnh đó, GDNN đã có nhiều đổi mới, cố gắng, nỗ lực và đạt được kết quả đáng khích lệ. 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung biểu dương Tổng cục GDNN đã quan tâm đến thể chế, có sự tham mưu để ban hành chiến lược chuyển đổi số của ngành.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nêu những nội dung còn chưa đáp ứng được yêu cầu như: Vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội thấp, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp; Phân luồng, kết nối doanh nghiệp có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Thị trường lao động. 

 Công bố dịch vụ công mức độ 4 trong giáo dục nghề nghiệp

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu trong năm 2022, Tổng cục cần tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo; tập trung vào 2 đối tượng là đào tạo mới và đào tạo lại. Tiến tới, doanh nghiệp phải là một nhà trường thực sự, doanh nghiệp dẫn dắt đào tạo lại. Doanh nghiệp phải trả tiền cho nhà trường đào tạo lại, đào tạo theo thị trường. “Tổng cục GDNN rất chú ý đến chuẩn hóa ngay tiêu chuẩn, kỹ năng đánh giá và đào tạo theo chuẩn quốc tế. Giáo trình đào tạo chính quy được lấy theo tiêu chuẩn 69 bộ đề thế giới và 30 bộ đề Asean” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý, năm 2022, tăng cường công nghệ thông tin, tập trung cao độ nhất chuyển biến, chuyển đổi số trong toàn ngành. Trong đó, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải tập trung thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế; GDNN cần đi trước một bước trong chuyển đổi số. GDNN cũng phải tăng cường quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chủ động phòng ngừa.

Nhân dịp này, Tổng cục GDNN đã công bố cổng dịch vụ công GDNN tại địa chỉ http://dichvucong.gdnn.gov.vn/, được kết nối liên thông lên Cổng dịch công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ LĐ-TB&XH, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính giáo dục nghề nghiệp 24/24 giờ, tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện dịch vụ công./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực