Bắt đầu công việc từ lúc… nghỉ hưu
Ông Naito Masakazu và bà Naito Machiko năm nay đều 65 tuổi. Sau khi nghỉ hưu, cả hai ông bà đều đã đăng ký để trở thành tình nguyện viên trong Chương trình Phái cử Tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Ông Naito Masakazu và bà Naito Machiko bắt đầu công việc tình nguyện tại Việt Nam sau khi về hưu
Ông Naito Masakazu kể rằng sau khi nghỉ hưu (tháng 6/2015) ở một công ty mà ông đã làm việc trong suốt 41 năm, ông đã thực hiện được mong muốn từ trước đó rất lâu là được trở thành tình nguyện viên cao cấp của JICA và đã được lựa chọn đến công tác ở Hà Nội. Hiện ông đang công tác tại Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ Phát triển Thị trường Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ. Tại đây, ông tham gia cố vấn cho Giám đốc Trung tâm cũng như các đồng nghiệp triển khai các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cấp cơ sở. Trung tâm đào tạo các doanh nhân mới khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nhân này đến những người khác. Sau khi khởi nghiệp, Trung tâm sẽ hỗ trợ để mọi hoạt động của doanh nghiệp đi vào ổn định và trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công. Ông mong muốn rằng, với kinh nghiệm sống ở nước ngoài 12 năm, ông sẽ cùng các đồng nghiệp trẻ xây dựng được nhiều mô hình doanh nghiệp thành công trong nhiệm kỳ 2 năm ngắn ngủi của mình.
Đến Việt Nam sau ông Naito Masakazu chừng nửa năm, bà Naito Machiko bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Nhật tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn , Đại học Quốc gia Hà Nội từ tháng 10/2016. Bà đã chia sẻ lý do dự tuyển vào vị trí tình nguyện viên cao cấp của JICA: “Đây là vị trí mà tôi có thể phát huy được những kinh nghiệm của mình. Chồng của tôi sau khi nghỉ hưu đã trúng tuyển để làm tình nguyện viên cao cấp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời nếu 2 vợ chồng tôi cùng có thể sinh sống và hoạt động tình nguyện tại Hà Nội. Từ rất lâu tôi đã mong muốn rằng sau khi nghỉ hưu tôi có thể giảng dạy tiếng Nhật ở một nước châu Á nào đó”.
Công việc chủ yếu của bà Naito Machiko là giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên và học viên cao học của Bộ môn Nghiên cứu Nhật Bản, Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực giảng dạy cho các giảng viên Bộ môn. Bà mong rằng, thông qua những giờ dạy của mình, các sinh viên có thể nâng cao được khả năng nghe nói tiếng Nhật cũng như có thể sử dụng được tiếng Nhật một cách tự nhiên. Đối với các giảng viên, thông qua hỗ trợ xây dựng tài liệu giảng dạy, bà hi vọng có thể chia sẻ được những kinh nghiệm về phương pháp xây dựng giáo trình đến các giảng viên, từ đó giúp nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Nhật, và chất lượng giáo dục tiếng Nhật. Ngoài ra, bà Naito Machiko còn tham gia hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến tiếng Nhật của sinh viên, nhằm truyền cho các em cảm hứng trong việc học tiếng Nhật cũng như khuyến khích niềm yêu thích tiếng Nhật của sinh viên.
Tiếc vì chưa có dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam
Khi hỏi về những khó khăn khi ở Việt Nam, cả hai tình nguyện viên đều chia sẻ rằng họ không gặp trở ngại gì lớn trong cuộc sống cũng như trong công việc. Từ phía gia đình, ông bà Naito cho biết: “Các con của chúng tôi rất ủng hộ việc chúng tôi tham gia làm tình nguyện viên. Cuối năm 2016, các con và cháu chúng tôi đã đến Việt Nam thăm chúng tôi. Chúng tôi đã đưa mọi người đến thăm quan cơ quan mà chúng tôi đang làm việc và đưa mọi người đi vịnh Hạ Long chơi”. Còn từ phía bạn bè, đồng nghiệp và người dân Việt Nam, hai tình nguyện viên cho biết, họ luôn nhận được sự giúp đỡ cởi mở từ họ.
“Tôi rất cảm kích về việc mặc dù tôi không nói được tiếng Việt những lúc tôi đi chợ, mua sắm hoặc đi ăn ở ngoài… nhưng các bạn Việt Nam thường rất kiên nhẫn với tôi. Rất nhiều người Việt Nam lúc nào cũng nở nụ cười khi nói chuyện với tôi. Ngoài ra, tôi thường được nhường ghế khi đi xe buýt. Tôi thấy các bạn Việt Nam rất thân thiện và tốt bụng nên tôi thấy rất thoải mái khi sống ở Việt Nam. Tôi cũng rất vui khi có thể giao tiếp được với các bạn Việt Nam bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình”, bà Naito Machiko chia sẻ.
Nói về rào cản ngôn ngữ, ông Naito Masakazu cho biết: “Bình thường khi tiếp xúc với các đồng nghiệp của Trung tâm tôi thấy mọi người ai cũng vui vẻ, hòa đồng và thích nói chuyện. Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ tháng 1 năm nay nhưng tôi hầu như không hiểu được nội dung của các cuộc đàm thoại. Tuy nhiên tôi có hiểu được chủ đề của câu chuyện đó. Tôi rất cảm kích vì mọi người ai cũng đối xử rất tốt với tôi”.
Bà Naito Machiko chụp ảnh cùng các sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Ông chia sẻ thêm rằng, từ năm 2002 đến năm 2006, khi ông còn làm việc tại Văn phòng đại diện công ty ở Singapore, thỉnh thoảng ông cũng có dịp đi công tác Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ông đã có dịp nói chuyện cũng như đi thăm các đối tác cùng với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Vì vậy, ông không có cảm giác lạ lẫm khi quay lại đây.
Hai tình nguyện viên Nhật Bản chia sẻ rằng, ngoài giờ làm việc, họ thường cùng nhau đi dạo, đi chợ, nấu ăn ... Khi có thời gian rảnh rỗi, họ đi thăm thú quanh Hà Nội bằng xe bus và taxi. Bà Naito cho biết, đồ ăn Việt Nam rất ngon nên bà không gặp chút khó khăn gì trong việc ăn uống. Thêm vào đó, bà còn muốn thử rất nhiều món ăn khác nhau, muốn đi nhiều nơi, tham quan nhiều thắng cảnh và trải nghiệm nhiều điều thú vị ở Việt Nam. Họ chỉ tiếc một điều là chưa có dịp đón Tết truyền thống của Việt Nam, mặc dù họ biết đây là một sự kiện lớn và vui nhất trong năm đối với người Việt Nam. “Tôi có cảm nhận là bắt đầu sang tháng 12, xung quanh mọi người bắt đầu nói chuyện về Tết, đường phố đâu đâu cũng thấy có không khí chuẩn bị đón Tết. Rất đáng tiếc là năm nay tôi chỉ có thể ở Hà Nội vào một vài ngày cuối cùng của Tết. Sang năm, nhất định tôi sẽ đón Tết ở Việt Nam”.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, hai tình nguyện viên muốn gửi tới các đồng nghiệp, bạn bè và người dân Việt Nam lời cảm ơn chân thành, “chúc các bạn sẽ nhiều sức khỏe, hạnh phúc và chúc cho nước Việt Nam phồn vinh, phát triển”./.