Ảnh minh họa: KV
Đào tạo nghề quy về một mối
Trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Theo Tổng cục Dạy nghề, cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và cao đẳng nghề; đã quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, từng địa phương và trình độ đào tạo. Chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, năm 2016, Chính phủ đã chính thức giao Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý về giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm). Có thể khẳng định, việc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trước hết, đây là lần đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam có một cơ quan thống nhất về quản lý giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, nó tạo rất nhiều cơ hội thuận lợi để chỉ đạo một cách nhất quán, nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người học.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội để thực hiện chiến lược phát triển nhân lực của Đảng và Nhà nước thông qua việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, kể cả xây dựng cơ sở pháp lý, triển khai thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp đến việc tạo động lực cho người học, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo trong hệ thống.
Theo Tổng cục Dạy nghề, việc này cũng tạo cơ hội và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được cả ba cầu: đó là phát triển nông nghiệp, nông thôn mà trọng tâm là mô hình nông thôn mới; về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước và đặc biệt tạo cơ hội để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực hội nhập đáp ứng với quá trình thực hiện cộng đồng ASEAN cũng như thực hiện các hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 143/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trọng trách lớn hơn
Bên cạnh những thành tựu, cơ hội trên, có thể nói đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo.
Mặt khác, chương trình, giáo dục đào tạo còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung, sự kết hợp với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình chưa chặt chẽ; cách tiếp cận phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, chú trọng đến năng lực thực hiện chưa triển khai hiệu quả.
Đáng chú ý, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm..., kỹ năng khởi nghiệp; tỷ lệ thất của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn cao...
Đây là những hạn chế, thách thức đang đặt ra với giáo dục nghề nghiệp. Để đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và đang lấy ý kiến vào dự thảo đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020” nhằm tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội.
Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đổi mới phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp là một trọng trách lớn mà Đảng, Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH. “Khi Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH nhận quản lý Nhà nước về công tác dạy nghề thì đây là một trọng trách lớn trước Đảng và nhân dân, quan điểm chung của lãnh đạo Bộ là toàn ngành phải tạo ra một nỗ lực rất lớn, có trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải phảp, tạo bước cơ chuyến biến cơ bản trong lĩnh vực dạy nghề” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về những nhiệm vụ trong năm 2017, Bộ trưởng đề nghị, ngành dạy nghề tập trung vào 9 nhiệm vụ chủ yếu trong đó có 5 khâu đột phá. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị ngành dạy nghề cần tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, từng bước giao tự chủ về tài chính cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đây là bước quan trọng để xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Tiếp đó, dạy nghề cần gắn với doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động, chú ý đến dự báo thị trường lao động, đào tạo kỹ năng thực tiễn. Cùng với đó là chuẩn hóa trình độ đào tạo quốc gia, khu vực và quốc tế. Khâu đột phá tiếp theo được Bộ trưởng nhấn mạnh là đột phá về đội ngũ. Cuối cùng, theo Bộ trưởng, cần chú ý truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về học nghề, giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới. “Trong giai đoạn tới lịch sử đang đặt lên vai ngành dạy nghề trọng trách vô cùng quan trọng, chỉ có con đường phát triển giáo dục nghề nghiệp là con đường duy nhất giúp ngành dạy nghề khẳng định vai trò và vị trí đối với xã hội và đất nước”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.