Cọn nước luôn là hình ảnh gần gũi đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ảnh MH
Theo nghiên cứu, cộng đồng các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao… ở khu vực miền núi Tây Bắc được coi là những người làm cọn nước giỏi nhất với những cọn nước đủ các kích thước và hoạt động rất hiệu quả. Do đặc điểm lựa chọn vị trí cư trú gần các dòng suối nên từ xa xưa, các cư dân Tây Bắc đã sớm biết chế tạo và sử dụng cọn nước như một chiếc máy dẫn nước vào tưới ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc dẫn nước về bản làng để sinh hoạt. Du khách thập phương sẽ không khỏi thán phục khi biết đến những chiếc cọn nước cỡ lớn có thể đưa nước lên tới độ cao… 8 mét, tức là cao hơn cả chiều cao của những ngôi nhà 2 tầng hiện nay. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao… đã biết khai thác tối đa nguồn thủy năng vô tận. Không chỉ giúp giảm bớt sức lao động trong việc vận chuyển nước, những chiếc cọn nước bình dị còn là những công trình sáng tạo độc đáo của đồng bào Tây Bắc, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của bà con.
Có tận mắt chứng kiến quá trình chuẩn bị vật liệu và các công đoạn chế tạo cọn nước mới thấy hết sự công phu cũng như độ khéo léo của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Theo ông Lò Văn Hon, dân tộc Thái ở bản Ta Cang, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), để làm cọn nước, việc đầu tiên là cần chuẩn bị đầy đủ các loại vật liệu. Nét riêng của cọn nước Tây Bắc đó là dù ở kích thước nào thì cọn nước cũng đều được làm hoàn toàn bằng những vật liệu lấy từ thiên nhiên. Người làm cọn nước trước hết sẽ chọn một cây gỗ thẳng, tốt, chịu được nước để làm trục giữ của cọn. Đây được ví như “trái tim” của cọn nước. Tiếp đó là đến công đoạn làm nan cọn. Người ta thường chọn những cây nứa bánh tẻ hoặc cây sặt già, loại cây bà con hay dùng làm cần câu to cỡ chuôi dao để làm nan cọn. Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Với chiếc cọn nước có chiều cao khoảng 5 mét thì sẽ có khoảng 42 - 44 nan cọn với chiều dài các nan vào khoảng trên 2 mét. Sau đó, đến công đoạn đục lỗ trên trục cọn để cắm những nan vào. Yêu cầu đặt ra là các lỗ phải đục sâu đều nhau và bằng đúng số nan cọn để khi đưa nan vào bảo đảm cân đối, đều nhau. Người làm cọn sẽ dùng những cây mây bánh tẻ, dẻo hoặc những thanh vầu già để cố định vòng ngoài giúp cho cọn nước chắc chắn, tránh bọ xộc xệch khi quay. Sau đó, đến việc đan các tấm cánh quạt gắn vào vòng ngoài của cọn. Có kích thước phù hợp với kích cỡ cọn nước, những tấm cánh quạt này đóng vai trò như những cánh tua bin khi nước chảy đẩy vào các cánh quạt sẽ làm quay toàn bộ chiếc cọn nước. Để cọn có thể lấy được nước còn cần tới một bộ phận rất quan trọng khác đó là những gầu múc nước. Đồng bào Tây Bắc lựa chọn những đốt trên thân cây vầu to, chặt vát một đầu và gắn vào vòng cố định của cọn. Khi gầu chìm xuống sẽ múc đầy nước sau đó theo vòng quay, gầu sẽ quay nghiêng theo chiều quay của cọn rồi đổ nước vào máng dẫn. Máng lấy nước cũng được làm khá công phu từ một cây vầu già, đục bỏ những mắt cây. Cứ như thế, tùy vào khoảng cách xa gần của vị trí lấy nước, người ta sẽ khéo léo kết nối các cây vầu lại với nhau thành những ống dẫn nước thông suốt.
Theo nhiều người dân tộc Thái, Mường…, làm cọn nước đòi hỏi sự công phu, cẩn thận, tỉ mỉ và khả năng tư duy khá chính xác. Với những người có nhiều năm kinh nghiệm làm cọn nước, mỗi chiếc cọn được hoàn thành như một công trình kiến trúc vừa giúp dẫn nước vừa mang dấu ấn riêng, có “hồn” riêng bởi nó chính là nét đẹp văn hóa. Người làm cọn nước vì vậy sẽ cẩn trọng lựa chọn từng cây nứa, cây vầu; tỉ mỉ với từng nút thắt, mối nối… Và mỗi cọn nước đều được ví như những tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, mỗi vòng quay của cọn nước Tây Bắc luôn ẩn chứa trong đó sự trăn trở, tìm tòi và khả năng sáng tạo độc đáo. Từ những loại vật liệu tự nhiên sẵn có trong rừng, trên đồi, qua bàn tay tài hoa của cư dân Tây Bắc, cọn nước được tạo nên vừa tròn trịa vừa chắc chắn. Những vòng quay miệt mài, bình dị của cọn nước cũng mang trong mình ước vọng cuộc sống đủ đầy; đồng thời cũng thể hiện năng lực vươn lên chinh phục, làm chủ tự nhiên của con người. Nếu như ở vùng đồng bằng, công cụ bằng đồng ra đời gắn liền với nền văn minh lúa nước thì ở miền núi nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng, văn minh lúa nước không thể tách rời với hình ảnh những chiếc cọn nước mộc mạc. Cọn nước chính là nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Những chiếc cọn nước giữa đại ngàn đã minh chứng cho sự khéo léo và khả năng sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong hành trình chinh phục thiên nhiên. Chính điều này đã giúp họ tạo ra những chiếc “bánh xe khổng lồ” với tính năng một nông cụ hữu dụng, vận hành liên tục không ngừng nghỉ và rất thân thiện với môi trường. Bên dòng suối quanh năm rì rầm, những chiếc cọn nước vẫn miệt mài mang dòng nước tưới mát cho biết bao cánh đồng, nương lúa. Và cọn nước đã trở thành hình ảnh vô cùng thân thuộc của bản làng, thành nét đặc trưng của đồng bào Thái, Mường, Dao… Cùng với những điệu múa xòe, lễ hội Xên mường, lễ hội cơm mới… cọn nước chính là chứng nhân của nền văn minh lúa nước ở vùng Tây Bắc. Nép mình bên những dòng suối xanh mát và những mái nhà sàn xinh xắn với khói lam chiều nhè nhẹ, cọn nước đã góp phần tạo nên nét đẹp rất riêng cho cảnh sắc núi rừng Tây Bắc./.