Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá – chiến lược nhằm chống lại tác hại của thuốc lá

Thứ năm, 22/09/2022 18:25
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá là hiệp ước quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, và là công cụ pháp lý quan trọng hỗ trợ các bên trong nỗ lực nâng cao sức khỏe cộng đồng và chấm dứt vấn nạn thuốc lá.
Các bằng chứng khoa học đã chứng minh một cách rõ ràng rằng việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc là nguyên nhân dẫn đến tử vong, bệnh tật và tàn phế... (Ảnh: KL) 

Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay (31/5/2022) từng nhấn mạnh tác động môi trường của ngành công nghiệp thuốc lá, bao gồm việc phá hủy khoảng 600 triệu cây để sản xuất thuốc lá, bên cạnh ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe, vì thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm.

Vào đầu những năm 2000, các nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết tâm ứng phó với đại dịch thuốc lá toàn cầu và những tác hại chết người của nó, đã xây dựng Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Có hiệu lực từ năm 2005, công cụ này, nhằm mục đích “bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai trước những tác động tàn phá về sức khỏe, xã hội, kinh tế và môi trường”, đề xuất một chiến lược điều chỉnh thuốc lá.

Tuy nhiên, không giống như các hiệp ước kiểm soát ma túy khác, Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá áp dụng quan điểm sức khỏe cộng đồng, như vậy, nó ủng hộ các chiến lược không chỉ để giảm nguồn cung cấp, mà còn cả việc giảm lượng thuốc lá theo yêu cầu. Nói một cách cụ thể, các quốc gia phê chuẩn Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá cam kết áp dụng các biện pháp được thiết kế trong Công ước nhằm giảm nhu cầu và bảo vệ dân số khỏi phơi nhiễm khói thuốc ở nơi làm việc trong nhà, phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng trong nhà và những nơi công cộng khác.

Kể từ khi có hiệu lực vào năm 2005, Công ước đã là một công cụ mạnh mẽ hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát thuốc lá toàn cầu, dẫn đến các chiến lược và luật pháp quốc gia nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm việc thương mại các sản phẩm thuốc lá, bao gồm bảo vệ trẻ vị thành niên và cộng đồng thông qua việc ban hành luật cấm hút thuốc ở những nơi công cộng và những nơi làm việc có không gian kín, các lệnh cấm toàn diện đối với việc quảng bá, tiếp thị và tài trợ thuốc lá cũng như thực hiện các cảnh báo bằng hình ảnh lớn và bao bì trơn.

Theo ông Adriana Blanco Marquizo, Trưởng Ban Thư ký Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá và cũng là một bác sĩ chuyên về phòng chống nghiện ở trẻ em và thanh thiếu niên, sau 17 năm Công ước khung có hiệu lực, lần đầu tiên có sự sụt giảm nhẹ nhưng ổn định về số lượng người sử dụng thuốc lá tuyệt đối, cả nam và nữ cộng lại. Từ 1,37 tỷ người hút thuốc vào năm 2000, chúng ta đã giảm còn 1,3 tỷ người vào năm 2020 và theo ước tính của sẽ còn 1,27 tỷ người vào năm 2025.

Cụ thể, nếu số lượng nam giới hút thuốc dường như trì trệ trong cùng thời kỳ, thì sự sụt giảm ở nữ giới là rất rõ rệt, vì có ít hơn 104 triệu nữ giới hút thuốc kể từ năm 2000. Mặt khác, từ năm 2007 đến 2019, tỷ lệ hút thuốc đã giảm từ mức trung bình toàn cầu là 22,7% xuống 17,5%, giảm tương đối 23% trong 12 năm. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 37,5% xuống 29,6% và ở nữ giới từ 8,0% xuống còn 5,3%.

Một con số thú vị khác: Vào năm 2000, 32,7% dân số thế giới (nam và nữ từ 15 tuổi trở lên) đã tiêu thụ một số dạng thuốc lá. Năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn chưa đến 1/4 (22,3%) dân số thế giới. Nếu các nỗ lực kiểm soát thuốc lá được duy trì ở tất cả các quốc gia thì tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 1/5 (20,4%) dân số thế giới vào năm 2025.

Thêm vào đó, cũng cần lưu ý rằng trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ hút thuốc ở thanh niên từ 15 đến 24 tuổi đã giảm từ 20,8% năm 2000 xuống 14,2% năm 2020 và dự đoán tỷ lệ hút thuốc là 13% vào năm 2025.

Trưởng Ban Thư ký của Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá đánh giá, nhìn chung, các quốc gia đã đạt được tiến bộ tốt trong việc đáp ứng các mục tiêu liên quan đến môi trường không thuốc lá, các chương trình giáo dục và truyền thông - chưa kể đến việc điều chỉnh việc bán cho trẻ vị thành niên. Các kết quả tích cực khác có thể được ghi nhận trong việc ghi nhãn bao thuốc lá, đặc biệt là việc dán các cảnh báo rất rõ ràng về các nguy cơ sức khỏe do thuốc lá gây ra. Tiến độ không rõ ràng hơn về lệnh cấm hoàn toàn đối với quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá.

 Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết sớm nhất Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới và có những thành tựu được ghi nhận trong chiến lược kiểm soát thuốc lá.
Hải Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực