Cầu Cư Păm bị gãy gấp hình chữ V mới được gia cố tạm bề mặt.
Cầu Cư Păm được xây dựng từ năm 1979, có chiều dài 80m, rộng 7m. Sau thời gian dài sử dụng, hiện trạng cầu đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều khe nứt kéo dài, các thanh lan can 2 bên cầu bị ăn mòn, gỉ sét, mố cầu bị xói mòn trơ ra các cọc sắt. Năm 2016, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, nước lũ chảy xiết khiến trụ T2 của cầu bị xói, sụt lún, gấp khúc tạo hình chữ V. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo dừng lưu thông qua cầu, người dân muốn vận chuyển hàng hóa, nông sản từ huyện xuôi xuống quốc lộ 26 phải sử dụng thuyền.
Trong chuyến thăm và làm việc tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông (tháng 11/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thị sát sự cố sụt lún tại cầu Cư Păm và yêu cầu địa phương khẩn trương khắc phục, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, sản xuất. Việc khắc phục cầu Cư Păm nếu gặp khó khăn, trung ương sẵn sàng hỗ trợ. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương xem xét rút giấy phép khai thác cát khu vực gần cầu, tránh để ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk đã gia cố cầu Cư Păm tạm thời bằng cách bắc cầu tạm vượt điểm gãy gập có tải trọng dưới 3 tấn và chiều cao giới hạn 2m chỉ dành cho xe con, tải nhỏ, xe máy và người đi bộ; việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Trần Bình, thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền cho biết, trước đây lái xe tải chở vật liệu xây dựng trọng tải 5 tấn thường xuyên lưu thông qua cầu Cư Păm, hiện nay cầu đã xuống cấp, được gia cố tạm thời nên giới hạn trọng tải chỉ cho phép 3 tấn, muốn đưa vật liệu qua cầu chỉ còn cách tập kết vật liệu xây dựng một bên cầu, thuê xe trọng tải 3 tấn “trung chuyển” vật liệu qua bên kia cầu. Việc này tốn rất nhiều thời gian, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu vì vậy cũng tăng cao.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông Huỳnh Bài cho biết, Krông Bông là huyện nghèo, đời sống của người dân phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp như cây mía, mì…Từ khi cầu Cư Păm bị sập một nhịp giữa, việc giao thương trao đổi hàng hóa của địa phương bị đình trệ. Hiện nay, sản phẩm của bà con làm ra giá thành đều giảm từ 10-20%, do cước vận chuyển xa, một số phương tiện vận tải lớn không mở tuyến đến huyện, nông sản người dân làm ra thường bị tư thương ép giá. Bên cạnh đó, để vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện đến nhà máy xử lý rác thải ở xã Dang Kang, phương tiện vận chuyển rác phải đi vòng qua huyện Cư Kuin với quãng đường xa hơn 60km. Việc lưu thông qua lại cầu Cư Păm còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, do hai mố cầu đã bị xói lở, có thể bị sập nếu xảy ra mưa, lũ lớn kéo dài.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, việc xây mới cầu Cư Păm cần một nguồn kinh phí lớn gần 80 tỷ đồng nằm ngoài khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Ngày 17/5/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có công văn 3573/UBND-TH, gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng mới cầu Cư Păm; Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã gửi Tờ trình số 85TTr-UBND ngày 18/7/2017 trình Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, và khả năng cân đối vốn Ngân sách Trung ương. Tổng mức đầu tư dự kiến 79,93 tỷ đồng, nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2017-2020, nhưng chưa được giải quyết.
Krông Bông là địa phương thường xuyên chịu thiên tai trong mùa mưa, lũ. Trong khi chờ kinh phí từ trung ương, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cần khẩn trương gia cố lại 2 trụ cầu, tăng cường baikey cho hệ kết cấu nhịp, tránh để xảy ra tình trạng mất an toàn trong mùa mưa bão./.