Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Thứ tư, 20/10/2021 09:54
(ĐCSVN) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quảng bá hình ảnh về hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt mở các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, địa phương, đối tượng người học.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có công văn gửi các địa phương, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp hoàn thành mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục nghề nghiệp, công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quảng bá về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua đã được duy trì và triển khai rộng khắp. 

Trong bối cảnh đó, truyền thông đã kịp thời thông tin, phản ánh những nỗ lực đóng góp của giáo dục nghề nghiệp trong công tác phòng chống dịch COVID-19, hoạt động dạy và học, công tác tuyển sinh tư vấn hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều sáng tạo trong sản xuất các chương trình truyền thông và sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để lan tỏa các hình ảnh, thông điệp tích cực của nhà trường và toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Dũng Thanh)

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quảng bá hình ảnh về hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt mở các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, địa phương, đối tượng người học.

Các nội dung truyền thông tập trung vào: Truyền thông nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đặc biệt là nội dung Thư của Chủ tịch nước kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển bền vững; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp ứng phó với COVID-19, đảm bảo cung ứng nguồn lao động có kỹ năng, góp phần chống đứt gãy chuỗi lao động; Tiếp tục tuyên truyền về Cuộc thi viết Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Truyền thông cho các sự kiện như ngày 20/11; Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu; Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp”;… Công tác tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp;… các cơ sở hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để tìm kiếm việc làm mới và duy trì việc làm cho người lao động.

Phối hợp với các ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giáo dục nghề nghiệp.

Tích cực mở các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp định kỳ trên các báo, đài kịp thời, chất lượng, hiệu quả. 

Trong điều kiện cho phép của địa phương, tổ chức các sự kiện, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp tại các địa điểm công cộng, nơi vui chơi, trong khuôn viên nhà trường,… kết hợp với truyền thông và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội của nhà trường. 

Năm 2021, Tổng cục GDNN đặt ra mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Phấn đấu tuyển sinh 2,5 triệu người, trong đó: cao đẳng: 260 nghìn người; trung cấp: 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.900 nghìn người.

Để đạt được chỉ tiêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và phải đi trước một bước; Tăng cường công tác tuyển sinh và đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài; Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, tập trung sắp xếp lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng thì làm cánh tay nối dài của các cơ sở đào tạo; Tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững…/.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực