Để trẻ em được phát triển trong một môi trường an toàn, không bị rủi ro bởi thiên tai

Thứ sáu, 24/11/2023 10:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo ông Lý Phát Việt Linh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong thiên tai, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, việc hành động sớm ứng phó thiên tai là một lời nhắc nhở bằng cách thực hiện những hành động đơn giản ngay bây giờ, bạn có thể tạo ra tác động to lớn trong tương lai.
Ảnh: Nguyên Lý 
Tối 23/11, Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Hành động sớm ứng phó thiên tai", đặc biệt là công tác phòng, chống thiên tai đối với trẻ em.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, quyền Trưởng phòng Thông tin, truyền thông, Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Thị Thúy Ái cho biết, tiếp nối sự thành công của Chiến dịch truyền thông "Cùng nhau hành động sớm - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em" trong hai năm 2022 và 2023, Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản triển khai Chiến dịch truyền thông “Vì một ASEAN an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em”.

Chiến dịch đã được tổ chức rất thành công và mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là chiến dịch nhằm lan tỏa thông điệp tích cực về giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trọng tâm và để hưởng ứng năm Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai năm 2023 với nhiều sự kiện lớn diễn ra tại Việt Nam, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai.

Hướng tới việc hành động sớm ứng phó thiên tai đối với trẻ em, học sinh..., năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp công tác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018-2023. Mới đây, hai Bộ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk.

Theo đánh giá của Chương trình phối hợp, thời gian qua, một số hoạt động thiết thực và hiệu quả đã được triển khai như đưa vấn đề phòng, chống thiên tai trong trường học vào một số quy phạm pháp luật; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sự kiện truyền thông trong trường học với nhiều hình thức như thi vẽ tranh, rung chuông vàng, chiến thắng Internet, thử thách làm phim về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu...

Những việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh; đồng thời các kiến thức và kỹ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của công tác phòng, chống thiên tai quốc gia.

Theo ông Lý Phát Việt Linh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong thiên tai, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, việc hành động sớm ứng phó thiên tai là một lời nhắc nhở bằng cách thực hiện những hành động đơn giản ngay bây giờ, bạn có thể tạo ra tác động to lớn trong tương lai. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam tiếp tục phối hợp với Cơ quan phòng, chống thiên tai tại Việt Nam và các đơn vị liên quan nỗ lực để đảm bảo trẻ em được phát triển trong một môi trường an toàn, xanh và sạch; trong đó có việc đưa trẻ em trở thành trung tâm trong các chính sách về khí hậu và môi trường, khuyến khích sự tham gia của trẻ em, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, thiếu thốn của trẻ em là vấn đề rất quan trọng và cần sự quan tâm lớn của cả cộng đồng, toàn xã hội.

Tại chương trình, các vị khách mời đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai đối với trẻ em./.

KT (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực