|
Người dân cùng các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: CTV) |
Đề xuất hỗ trợ khẩn cấp trên 1.800 tỷ đồng
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ cuối tháng 9, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng và kéo dài ngày tại các tỉnh miền Trung.
Đợt thiên tai khốc liệt và lịch sử đã gây nhiều thiệt hại cho nước ta. Trong đó, riêng về kinh tế, ước tính thiệt hại trên 28.797 tỷ đồng.
Trên cơ sở thống kê thiệt hại, tổng hợp kiến nghị từ báo cáo của các tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho 9 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên để khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.
Cụ thể, về gạo, hỗ trợ bổ sung 9.000 tấn (Quảng Ngãi 5.000 tấn, Hà Tĩnh 2.000 tấn, Bình Định 1.000 tấn).
Bên cạnh đó, về nhà ở, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 238,96 tỷ đồng. Trong đó gồm: Nghệ An 0,99 tỷ đồng, Hà Tĩnh 7,87 tỷ đồng, Quảng Bình 4,85 tỷ đồng, Quảng Trị 3 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 18,61 tỷ đồng,…
Đồng thời, hỗ trợ khẩn cấp 1.600 tỷ đồng để tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất nhằm hỗ trợ dân sinh, di dân khẩn cấp và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: y tế, trường học, trụ sở cơ quan, đê điều, thủy lợi, giao thông nội tỉnh và các công trình hạ tầng thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Y tế tham mưu chỉ đạo hỗ trợ địa phương cơ số thuốc và hóa chất lọc nước, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực thi các quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Khẩn trương tái thiết sản xuất sau bão, lũ
Cùng với việc tiếp tục thống kê thiệt hại do mưa, lũ gây ra, việc khẩn trương tái thiết sản xuất sau mưa lũ đang được các đơn vị của Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm để góp phần giúp bà con nông dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, Bộ đã và huy động được nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cho người dân các tỉnh miền Trung như: Giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi... ước tính giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Trước mắt, các tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ vừa qua như Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đã huy động được trên 1,1 triệu con giống gia cầm, 300 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi và vắc xin, thuốc thú y… để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Ngay khi các tỉnh miền Trung bị mưa lũ, Bộ đã liên hệ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất.
Về sản xuất chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương phải khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, tránh thiệt hại. Cục sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia về xây dựng mô hình nuôi gia cầm để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương.
Về thủy sản, các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc vùng nuôi nhằm đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi. Tổng cục Thủy sản sẽ kết hợp với lực lượng Thú y tổ chức hướng dẫn làm sạch môi trường, quan trắc môi trường nuôi để khi đảm bảo các thông số mới khuyến cáo người dân đưa con giống vào sản xuất. Các địa phương sẽ huy động lực lượng tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình để tạo sức lan tỏa ở các địa phương,…/.