Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Ảnh: VEC)
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí về sự cần thiết và cho rằng, công trình này không thể trì hoãn. Công trình có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Những năm vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông. Đây được coi là khâu đột phá chiến lược và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng hạ tầng giao thông thay đổi nhanh, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hệ thống hạ tầng giao thông đang còn nhiều vấn đề bất cập so với nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, mạng lưới giao thông so với khu vực còn nhiều hạn chế.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía đông. Theo Phó Thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc này sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra.
Về nguồn vốn cho dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách Nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ GTVT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án chi tiết về phát triển đường cao tốc, tập trung vào cao tốc Bắc-Nam về phía đông do Bộ GTVT chủ trì. Sau khi Bộ GTVT xây dựng xong Đề án, gửi các bộ liên quan để cụ thể hoá từng vấn đề, trong đó có mục tiêu, sự cần thiết, quy mô… nói rõ cơ chế huy động nguồn lực.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan tính toán tổng mức đầu tư từng dự án, kiểm soát chất lượng các dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư./.