|
Chị Đinh Thị Quy (ngoài cùng bên phải), ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Nam thu nhận nông sản tại nhà |
Huyện Sơn Hà có khoảng 64.398 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số toàn huyện. Là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi, người dân thường sinh sống phân tán, tiềm năng thế mạnh không có gì đáng kể, vì thế kinh tế còn kém phát triển. Những năm qua, các chính sách, chương trình, dự án ưu tiên giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn huyện bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, huyện Sơn Hà đã tiến hành quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và nông thôn phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung sản xuất cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và duy trì diện tích, tăng năng suất 3 loại cây mũi nhọn của huyện, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững gắn với phát triển kinh tế rừng, đây được coi là bước đột phá căn bản, mở hướng giảm nghèo cho người dân. Kết hợp giữa trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác hợp lý bằng các biện pháp lâm sinh bền vững nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, tỷ lệ độ che phủ rừng bền vững.
Cùng với đó, nhiều chính sách về công tác dân tộc của Trung ương và chính sách đặc thù của huyện được triển khai hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết, huyện chọn cách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gia tăng chuỗi giá trị, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị; Các tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập để hỗ trợ và kết nối hộ dân nhằm cung cấp sản phẩm ra thị trường; Bình quân mỗi năm, huyện huy động trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình để hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân…
Chị Đinh Thị Quy, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) từng thuộc diện hộ nghèo nhận trợ cấp của Nhà nước, nay đã thoát nghèo phấn khởi cho biết: “Trước kia không có việc làm nên không có thu nhập, nguồn thu chủ yếu từ làm keo, trồng lúa. 3 năm trở lại đây, việc hái rau rừng về cung ứng cho siêu thị đã giúp cho gia đình chị có thêm thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng. Ngày trước rau rừng ở đây chỉ có hái về ăn nhưng từ khi được đưa vào siêu thị thì tôi có việc làm thường xuyên, có thu nhập cho gia đình nên tôi mừng lắm. Cuộc sống không còn chật vật nữa”.
Chung niềm vui với gia đình chị Quy, chị Đinh Thị Giấy, xã Sơn Trung (huyện Sơn Hà) chia sẻ: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và vốn vay ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ khuyến nông, chị nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên đạt hiệu quả cao. “Từ thành công ban đầu, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà, thu nhập ngày càng tăng. Đến nay, không những tôi trả được nợ vay, mà còn có dư để lo cho con cái ăn học”, chị Giấy cho biết thêm.
Đánh giá về những thành công của huyện trong công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch Phùng Tô Long cho biết: Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, địa phương đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính việc trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, nên sau một thời gian, người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy và tự vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện Kết luận 31 của Tỉnh ủy, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 4,5 - 5%.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền và người dân địa phương, Sơn Hà đã trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi thoát khỏi huyện nghèo./.