Đồng hành cùng học sinh nghèo nơi biên giới

Thứ tư, 09/10/2024 15:31
(ĐCSVN) - Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn lượt học sinh nghèo có một tương lai tươi sáng hơn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) tặng quà trước khi đưa con nuôi Thò Thị Dính về Hà Nội nhập học. (Ảnh: Xuân Hưng).

Cách đây 8 năm, em Thò Thị Dính, sinh năm 2005, là con gái lớn trong một gia đình mồ côi cha mẹ được Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đón về Đồn nuôi. Suốt 8 năm là con nuôi Đồn Biên phòng Lũng Cú, Thò Thị Dính được các bố, các anh là cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của Đồn chăm sóc, dạy dỗ. Không ngừng nỗ lực vươn lên. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, Thò Thị Dính đã đạt điểm cao và trúng tuyển vào Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội.

“Con biết ơn các chú ở Đồn Biên phòng Lũng Cú rất nhiều. Thi đỗ trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, con sẽ cố gắng, phấn đấu học tập tốt để xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ của các chú và để sau này trở về quê hương Đồng Văn, Hà Giang tiếp tục góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", em Thò Thị Dính chia sẻ trong ngày nhập học.

Cũng là con nuôi của Bộ đội Biên phòng và cũng chung niềm vui thi đỗ đại học, Nguyễn Anh Vũ (18 tuổi, trú thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vừa chính thức trở thành học viên Học viện Biên phòng. Năm lớp 8, bố mẹ Vũ chia tay, em sống cùng cố và bà ngoại đã cao tuổi. Sau đó, Vũ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Roòn (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) nhận làm con nuôi và đưa về Đồn để bảo đảm ăn học, sinh hoạt ngay tại đơn vị. Với sự giúp đỡ thường xuyên của lực lượng Bộ đội Biên phòng, liên tục nhiều năm liền, Vũ đều đạt học sinh giỏi. Đặc biệt, mới đây, Nguyễn Anh Vũ đã mang lại niềm tự hào cho đơn vị, gia đình khi đạt 25,4 điểm, đỗ vào Học viện Biên phòng năm 2024. Ước mơ là người lính Biên phòng của Vũ đã dần trở thành hiện thực.

Không giấu được niềm xúc động xen lẫn tự hào, bà Lê Thị Tam (64 tuổi, bà ngoại của Vũ), nghẹn ngào cho biết: “Nhờ Đồn Biên phòng Roòn nuôi nấng, cháu Vũ mới có ngày hôm nay. Thực sự bản thân tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Roòn đã giúp đỡ cháu trong nhiều năm qua”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Roòn tặng quà cho Nguyễn Anh Vũ khi đậu Học viện Biên phòng. (Ảnh: H. Huyền).

Được biết, Thò Thị Dính và Nguyễn Anh Vũ là hai trong số hàng chục học sinh được lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp đỡ đã thi đỗ vào các trường đại học. Sau hơn 8 năm tính từ khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn biên phòng” đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới, đã có hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số (trong đó có cả học sinh người Lào, Campuchia) được hỗ trợ để viết tiếp ước mơ đến trường. Nhiều em học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài Quân đội, trở thành người có ích cho xã hội. Từ đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương phục vụ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là xây dựng "thế trận lòng dân" bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc... Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” đã tạo sức lan tỏa lớn, tô thắm thêm hình ảnh người lính quân hàm xanh cũng như thắt chặt hơn nữa tình quân dân nơi biên giới.

Đến nay, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đỡ đầu hơn 5.000 học sinh với tổng số tiền khoảng gần 100 tỷ đồng, trong đó, có gần 1.000 em mồ côi và gần 200 em ở khu vực biên giới của nước bạn Lào và Campuchia. Chỉ tính riêng trong năm học 2024 - 2025, cả nước có 2.543 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” đỡ đầu. Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã lan tỏa yêu thương của những người lính quân hàm xanh đến các địa bàn biên giới, hải đảo; giúp nhiều trẻ em trong các gia đình đặc biệt khó khăn được đến trường học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung đưa các em nhỏ được đơn vị nhận nuôi đến trường trong mùa mưa lũ. (Ảnh: ĐC).

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng. Trên cả nước, hằng năm, hầu hết cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã tự nguyện đóng góp 1 ngày lương cơ bản nhằm xây dựng Quỹ “Nâng bước em tới trường”. Nguồn kinh phí trên được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố giao cơ quan chuyên môn quản lý, sử dụng đảm bảo đúng mục đích, nguyên tắc tài chính; hằng tháng, phân bổ kinh phí cho các đơn vị để hỗ trợ học sinh trong diện theo định mức 500.000 đồng/em/tháng và tặng quà động viên các em nhân dịp bước vào năm học mới, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc.

Theo đồng chí Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" thể hiện tình cảm, sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo. Chương trình không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao, mà còn có ý nghĩa chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn lượt học sinh nghèo có một tương lai tươi sáng hơn.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song những em học sinh được lực lượng Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu, hay là "con nuôi đồn Biên phòng” vẫn có sự đồng hành, sẻ chia của những người lính “mang quân hàm xanh” với mong muốn hỗ trợ các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập, rèn luyện tốt; giúp các em có điều kiện học tập để trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, phồn vinh./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực