|
Kinh tế tỉnh Đồng Nai phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao qua các năm. (Ảnh: https://www.tapchicongsan.org.vn/) |
Để thực hiện mục tiêu đó, nhất là sau khi triển khai các nghị quyết, kết luận, các văn bản của Trung ương về phát huy sức mạnh Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc trong triển khai các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, địa phương lồng ghép, tích hợp nội dung Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngoài ra, đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng - đây là tiền đề rất quan trọng để xây dựng, bồi đắp văn hóa, con người Đồng Nai, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
Các cấp, các ngành đã chú trọng triển khai lồng ghép trên các lĩnh vực, chú trọng gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung đột phá vào những lĩnh vực trọng tâm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững; chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng quản lý đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo đột phá trong công tác xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tiếp tục hướng tới phục vụ và tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và không ngừng phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, góp phần tích cực vào kết quả đạt được trên các lĩnh vực.
Kinh tế tỉnh phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao qua các năm; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh (GRDP bình quân đầu người năm 2003 chỉ đạt 9,6 triệu đồng, đến năm 2023 đạt 139,75 triệu đồng/người, tăng gấp 14 lần).
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đã cụ thể hóa kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đột phá của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ để triển khai thực hiện.
Đến nay, toàn tỉnh có 105 xã nông thôn mới nâng cao; 27 xã nông thôn mới kiểu mẫu; đứng thứ 2 cả nước về số xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, Đồng Nai tiếp tục vượt mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới; nổi bật huyện Xuân Lộc là huyện thứ 3 của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm, năm 2023, toàn tỉnh có 196 sản phẩm OCOP của 107 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 53 sản phẩm đạt 4 sao.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp an sinh xã hội, các chính sách giáo dục đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, chính sách nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động, giải quyết nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội và việc làm, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu thực hiện 10 ngàn căn hộ trong giai đoạn 2021-2025, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 70 ngàn lao động, giảm nghèo, góp phần ổn định đời sống Nhân dân trong điều kiện tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, giải quyết việc làm và các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác; quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, đến năm 2023 đã có 152/170 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa Thể thao - Hỗ trợ cộng đồng hoạt động ổn định. Việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội đã góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ cơ sở, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động tốt các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” thông qua các chương trình hoạt động nhân đạo, hỗ trợ khó khăn đột xuất, hỗ trợ vốn để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những hoạt động tích cực chăm lo cho người nghèo, năm 2018, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cấp bằng ghi công công nhận tỉnh Đồng Nai hoàn thành việc xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, xây dựng xong nhà dột nát cho người nghèo.
Hoạt động y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến; tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; tổ chức triển khai ra quân “Ngày cuối tuần phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết” tại các địa phương; truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm; thanh, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đảm bảo mọi chủ trương, chính sách, pháp luật phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Dựa vào đặc điểm tình hình của từng địa phương, các cấp ủy Đảng đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường vai trò hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, hoạt động quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy cao nhất quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở./.