Đừng đồng lõa với tội ác!

Thứ hai, 29/04/2019 17:39
(ĐCSVN) – Trong một thời gian ngắn, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Đáng nói hơn, trong một số trường hợp, chính nạn nhân và người thân đã chọn cách im lặng, thay vì lên tiếng tố cáo kẻ phạm tội.

 

(Ảnh minh họa)

 

Ngày 15/12/2018, ông Đinh Bằng My- Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội dâm ô trẻ em. Ông này đã có hành vi lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh trong thời gian dài. Điều đáng nói ở đây, dù nhiều học sinh đã từng học ở trường, bị chính thầy hiệu trưởng xâm hại nhưng không dám nói ra. Dù ra trường rất lâu rồi những các em vẫn còn bị ám ảnh về ký ức đen tối ấy.

Vụ việc Nguyễn Trọng Trình ( 31 tuổi, trú xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dâm ô bé gái 9 tuổi gây phẫn nộ dư luận.

Gần đây nhất vào tối 1.4, một bé gái 7 tuổi đã bị Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ trong thang máy Galaxy 9 ( quận 4. TPHCM). 

Tại sao vấn nạn dâm ô trẻ em ngày càng tăng?

Phải chăng, trong đó có nguyên nhân trẻ em đã không được giáo dục đầy đủ về kiến thức giới tính và tình dục. Nhiều người suy nghĩ đây là vấn đề tế nhị, không nên cho con trẻ biết đến. Nhưng chính suy nghĩ này là nguy cơ tai hại dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Trẻ em không phân biệt được ranh giới giữa cưng nựng và xâm hại. Chúng không biết ai có thể động vào cơ thể mình và ai không được phép. Khi bị xâm hại trẻ sợ sệt không dám nói ra khiến số lần bị xâm hại cứ thế tăng theo thời gian.

Khi vụ việc xâm hại xảy ra, chính cha mẹ vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của con. Sợ bị đe dọa bởi kẻ tội phạm. Sợ tiếng bàn tán xôn xao của xóm giềng nên đã lựa chọn im lặng. Im lặng chấp nhận, làm ngơ trước tội ác. Im lặng nhìn tội ác xảy ra với nhiều đứa trẻ vô tội khác như con mình.

Sự im lặng này phải được coi là đồng lõa với kẻ phạm tội!

Chỉ có mạnh dạn lên tiếng, sẵn sàng đấu tranh mới có thể cứu trẻ ra khỏi vấn nạn man rợ này.

Phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tái phạm tội và động cơ phạm tội của những kẻ ấu dâm trước khi cần sự mạnh tay của pháp luật thì nạn nhân phải lên tiếng. Lên tiếng tố cáo tội ác, vạch trần hành vi phạm tội. Việc lên tiếng nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng dám làm ngay.

Để tiếng nói cất lên kịp thời, để nạn nhân không bị bao vây bởi một chữ " sợ", thì truyền thông cần đề cao trách nhiệm của mình hơn nữa.

Cần xây dựng những chương trình dạy trẻ cách nhận biết, phòng chống nguy cơ bị xâm hại. Phá vỡ tâm lý e dè của phụ huynh khi dạy con kiến thức giới tính.

Thông tin những vụ việc tội phạm ấu dâm kịp thời, chính xác, nên công khai danh tính của kẻ phạm tội. Đánh trúng vào tâm lý của nhưng kẻ đang có động cơ phạm tội khiến chúng sợ hãi. Xóa đi nỗi sợ của bậc cha mẹ có con bị xâm hại để họ dám lên tiếng tố cáo tội ác.

Đừng im lặng, bởi im lặng là đồng lõa với tội ác!./.

  

Thủy Đỗ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực