Những giải pháp lớn…
Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cách đây 10 năm, nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ doanh nghiệp.
Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lần đầu tiên thực hiện đã được triển khai đồng loạt trên phạm vi gần 9.000 xã, 670 đơn vị cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố; khối lượng công việc về xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn.
Đồng chí Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhớ lại, giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội có vốn đến đâu thì bố trí đến đó và hàng năm thông báo chậm nên ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, hiệu quả, phần nào dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Rút kinh nghiệm, sang giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã ưu tiên bố trí tổng mức vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình tối thiểu là 63.155,6 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với giai đoạn trước và được Chính phủ cân đối, bố trí đủ 100% theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt. Trong đó, tập trung ưu tiên bố trí đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn và xã dưới 5 tiêu chí với hệ số cao gấp 4-5 lần so với các xã khác. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn trung hạn cả giai đoạn cho các địa phương để chủ động và sử dụng có hiệu quả ngân sách.
|
Giao những dự án quy mô nhỏ cho cộng đồng trực tiếp làm và hưởng lợi là một trong những giải pháp để thu hút hiệu quả đóng góp của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện ngân sách có hạn. |
Một trong những quyết sách khác của Trung ương tạo sự chủ động cho địa phương, đó là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161NĐ-CP ngày 02/12/2016 về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, một số dự án có quy mô nhỏ (tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng), kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp; dự án nằm trên địa bàn 01 xã, do UBND xã quản lý thì được thực hiện cơ chế quản lý đầu tư xây dựng rút gọn. Các dự án này được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù là lập hồ sơ xây dựng công trình đơn giản thay cho báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. UBND xã có trách nhiệm thẩm định hồ sơ xây dựng công trình. Căn cứ ý kiến thẩm định, UBND xã chỉ đạo hoàn thiện và phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình; Ban quản lý xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã có trách nhiệm giám sát trong quá trình thi công công trình…
Việc quy định cơ chế, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng rút gọn đối với những dự án quy mô nhỏ, do cộng đồng trực tiếp làm và hưởng lợi là một trong những yếu tố quan trọng để Chương trình xây dựng nông thôn mới thu hút hiệu quả đóng góp của cộng đồng, người dân thông qua hiến đất, góp công sức. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong 10 năm thực hiện Chương trình, người dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm đường và các công trình phúc lợi. Nhờ đó, hàng vạn km đường giao thông nông thôn được xây dựng nhưng không phải đền bù, giải phóng mặt bằng.
Để kịp thời chấn chỉnh việc huy động nguồn lực thực hiện Chương trình của các địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng cơ bản sai quy định.
Bộ NN và PTNT cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Một trong những điều kiện được xét công nhận là “không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản”. Chính nhờ có quy định này của Thủ tướng Chính phủ mà các địa phương đã phải chủ động rà soát, xác định cụ thể số nợ xây dựng cơ bản, đồng thời tập trung nguồn lực để thanh toán dứt điểm nợ đọng đối với những xã, huyện đang trong quy trình làm hồ sơ thủ tục đề nghị đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy tối đa sự tham gia và nhất là vai trò phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như để người dân - người thực sự hưởng lợi đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới, trong trình tự xem xét, công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu bắt buộc phải lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân do MTTQ triển khai. Đây vừa là giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản cũng đồng thời là giải pháp phòng ngừa bệnh thành tích ở cơ sở trong việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tế là tại Hà Tĩnh, cuối năm 2018, 2 xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) và Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) do một số lý do, trong đó có việc còn nợ đọng xây dựng cơ bản nên đã bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với những giải pháp này của Trung ương, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm này, các tỉnh thành phố đều đã có kế hoạch và bố trí đủ vốn thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.
… để hoàn thành khối lượng lớn xây dựng hạ tầng
Giải quyết tốt tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình xây dựng nông thôn mới càng trở nên có ý nghĩa khi các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn nước ta đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206,7 nghìn km đường giao thông, trong đó khoảng 68,7% được cứng hóa. 904 hệ thống thủy lợi được xây dựng phục vụ tưới tiêu từ 200 ha trở lên; 6.336 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, gần 16.000 đập dâng kiên cố các loại; gần 12 nghìn trạm bơm điện, trên 290 nghìn km kênh mương… Mỗi xã có đủ hệ thống 3 trường: mẫu giáo/mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao, tăng 37% so với thời điểm năm 2010. Gần 73 nghìn thôn có nhà văn hóa, khu thể thao; trên 11 nghìn trạm y tế xã, trong đó hơn 76% đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng mới trên 860 chợ, cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ…
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn nước ta đã thay đổi vượt bậc, khang trang, đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân và bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Qua điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy gần 85% số hộ nông thôn hài lòng về xây dựng nông thôn mới. Ở gần 120 đơn vị cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mức độ hài lòng của người dân còn tăng lên rất cao, đạt từ 94 - 99%.
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Một trong những mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Với khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn thì những bài học kinh nghiệm trong giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ rất có ý nghĩa tham khảo để tiếp tục tổ chức thực hiện thành công Chương trình trong giai đoạn tiếp theo./.