Giải tỏa áp lực lạm phát

Thứ năm, 13/06/2024 14:13
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Áp lực lạm phát là điều khiến nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại và đề nghị cần kiểm soát ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô khi thảo luận tại nghị trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Xuyên suốt các phiên thảo luận tại nghị trường Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đánh giá, những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro… đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Song, tình hình kinh tế nước ta có bước phục hồi và phát triển khá tốt, với các chỉ số được tăng lên rõ rệt; trong đó, GDP quý I tăng 5,66% - cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây, đưa Việt Nam vào top đầu so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn về áp lực lạm phát. Áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng cũng là điều được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. 

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đã tăng liên tục kể từ đầu năm và lên mức 4,42% vào tháng 4/2024, kéo lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm lên mức 3,93%, gần mức mục tiêu 4 - 4,5% theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. (Ảnh minh họa: MK) 

Trước những con số trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý, tỷ giá bắt đầu tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, là những cảnh báo về kinh tế vĩ mô, cần phải tăng cường kiểm soát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) cũng nhận định, áp lực lạm phát năm 2024 không hề nhẹ. Đồng thời phân tích, giai đoạn trước, áp lực lạm phát từ bên ngoài vào, nhưng năm 2024, áp lực lạm phát lại từ bên trong. Cụ thể, trong quý I/2024, CPI là 3,77% và CPI tháng 4 lại cao hơn tháng 3. Thông thường, quý I, CPI có xu hướng tăng do vào dịp Tết Nguyên đán, song đến tháng 3, tháng 4 bắt đầu giảm xuống. Năm nay, CPI tháng 4 lại cao hơn. Đây là một yếu tố cho thấy CPI có xu hướng tăng thực sự. 

“4 tháng đầu năm, CPI là 3,93%, gần đạt đến mốc chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4 - 4,5%, áp lực rất rõ ràng”- đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu để xảy ra tình trạng tăng giá, lạm phát sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế. Điển hình là, khi lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn CPI, người dân sẽ dùng tiền đó để làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực khác, như vàng hay bất động sản.

Cùng mối quan ngại, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, CPI tháng 4 tăng gần 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93%, cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô.

Đại biểu Yến chỉ rõ, đồng Việt Nam mất giá so với USD, giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu tăng là nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát những tháng qua có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá cũng tăng mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ. 

Để kiểm soát lạm phát, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị việc điều hành lãi suất cần linh hoạt. “Lãi suất cho vay xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động phải trên mức dự báo về lạm phát, cụ thể là 5 - 6%/năm. Lãi suất cho vay không nên đẩy lên cao đến trên 10%/năm như trước đây. Nếu ổn định khoảng 7 - 8%/năm, thì các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn vẫn sẵn sàng chấp nhận, như thế sẽ đảm bảo cân bằng được giữa điều hành lãi suất và lạm phát” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói. 

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, Chính phủ cần có chính sách điều tiết hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát. “Cần kiểm soát tốt lạm phát, trong đó, cần tính đến yếu tố tăng lương vào tháng 7 tới dẫn đến giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác có xu hướng tăng theo để có chính sách điều hành vĩ mô phù hợp. Đồng thời, có kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để có thể ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường” - đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.

Trước những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới; trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương. Điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được chỉ số lạm phát như Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định: “Với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.”

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành hôm 8/6 vừa qua, để kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu, cần quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kê khai giá, niêm yết giá theo quy định; không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý…/.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực