Giảm thiểu rủi ro về sức khỏe tại các trang trại gây nuôi động vật hoang dã

Thứ ba, 19/12/2023 12:46
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Không chỉ là điểm nóng về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chủ động nhất tại khu vực trong quản lý rủi ro dịch bệnh lây truyền và dịch bệnh mới nổi.

Ngày 19/12, Bộ NN&PTNT thông qua Ban Thư ký đối tác “Một sức khỏe” phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng chủ trì Hội thảo nâng cao nhận thức về phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người phát sinh từ gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) và tổng kết dự án "Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại ĐVHD ở Việt Nam".  

Đây là 1 phần của dự án toàn cầu hỗ trợ “Liên minh quốc tế chống lại rủi ro về sức khỏe trong thương mại ĐVHD” do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức ủy quyền và được Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức hỗ trợ.

 Ngoài các chuyên gia trong nước và quốc tế, hội thảo còn thu hút sự tham gia của đại diện 19 tỉnh, thành phố (Ảnh: GIZ Việt Nam cung cấp)

Hội thảo tóm tắt những kết quả đạt được sau 1,5 năm phối hợp triển khai bao gồm các hoạt động nghiên cứu cơ sở thực tiễn, rà soát chính sách và tham vấn chính sách nhằm tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD để giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa phát sinh, lan truyền dịch bệnh từ ĐVHD sang người.

Theo đó, các kiến thức về phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” được phổ biến nhằm cân bằng và tăng cường sức khỏe của con người, động vật và môi trường; góp phần rà soát khung chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật cho các trang trại gây nuôi ĐVHD cho mục đích thương mại ở Việt Nam, từ đó khuyến nghị về xây dựng chính sách và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong gây nuôi ĐVHD.

Các khuyến nghị bao gồm việc xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt các yêu cầu đối với hoạt động gây nuôi ĐVHD, bao gồm xác định các tiêu chí và theo dõi thủ tục đối với các thực hành và các nhóm ĐVHD có nguy cơ lây truyền dịch bệnh cao; đề xuất các biện pháp an toàn sinh học cụ thể dựa trên những thực hành quốc tế tốt nhất.

Một trang trại cá sấu ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: vietnamnet.vn)

Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, mặc dù dự án có quy mô nhỏ nhưng đã xử lý và hỗ trợ tốt việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại ĐVHD ở Việt Nam. Việc phối hợp tổ chức thực hiện tôn trọng quy định nội luật của các bên, để cùng nhau thực hiện các cam kết quốc gia, ngành và quốc tế.

“Hội thảo giúp định hướng, hỗ trợ giải quyết thách thức cũng như nhu cầu thật sự về các rủi ro xuất hiện và lây lan bệnh lây truyền từ động vật sang người trong hoạt động gây nuôi ĐVHD tại địa phương; hỗ trợ các biện pháp an ninh sinh học trong hoạt động gây nuôi ĐVHD và yêu cầu để tăng cường giám sát việc áp dụng các biện pháp an ninh sinh học này”, ông Liêm nhấn mạnh.

Có thể nói, những kiến nghị của dự án đã mở ra các nhiệm vụ mới trong đó nhấn mạnh sự chung tay của Nhà nước, Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đối tác quốc tế nhằm tập trung nguồn lực cho cải thiện chính sách, quy định, tổ chức sắp xếp lại vai trò, chức năng của các cơ quan liên quan; tăng cường điều phối, hợp tác giữa các cơ quan chức năng cấp Bộ và liên Bộ, đặc biệt là  tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho chính cơ quan chức năng, cộng đồng, chủ cơ sở nuôi, người dân về những rủi ro từ hoạt động gây nuôi các ĐVHD…

Một số cá thể dúi được gây nuôi tại gia đình ở xã Minh Hồng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội (Ảnh: GIZ Việt Nam cung cấp)

Trong khi đó, bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án GIZ khẳng định hội thảo là cơ hội tốt để các bên trao đổi sâu sắc, hiệu quả hơn phù hợp với tinh thần “Một sức khỏe”, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò kể cả khi dự án đã kết thúc, từ đó các kết quả tại Việt Nam có thể được chia sẻ cho nhiều bên liên quan với quy mô quốc tế trong tương lai.

Để thúc đẩy việc lồng ghép các biện pháp an ninh sinh học áp dụng tại các trang trại gây nuôi ĐVHD, Bộ NN&PTNT đang triển khai việc hoàn thiện một Nghị định (sửa đổi) thay thế Nghị định 06/2019/NĐ-CP (ngày 22 tháng 01 năm 2019) và Nghị định 84/2021/NĐ-CP (ngày 22 tháng 9 năm 2021) về quản lý các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực hiện Công ước quốc tế về thương mại các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2024.

ĐVHD đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ hệ sinh thái lành mạnh nào. Tuy nhiên, việc khai thác và thương mại chúng không bền vững đã làm tăng nguy cơ con người bị lây bệnh từ động vật, thậm chí bùng phát dịch bệnh. Theo thống kê, cả nước có khoảng 8.600 cơ sở gây nuôi ĐVHD với 2,5 triệu cá thể thuộc 300 loài.
Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực