Giúp cuộc đời nhiều trẻ kém may mắn bước sang trang mới

Thứ năm, 23/11/2023 09:34
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sau 02 năm triển khai, đến nay chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19.

2 năm nay, 3 chị em Đinh Thị Tuyết Lam (sinh năm 2008), Đinh Đăng Khôi (sinh năm 2010) và Đinh Thị Tường Lam (sinh năm 2012) có thêm một người mẹ nữa. "Ba mẹ con đi làm công nhân tại Bình Dương, chị em con ở cùng ông bà ngoại. Nhưng đợt đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến ba con không qua khỏi. Lúc ấy, mẹ con ở lại phòng trọ một mình vừa đau khổ vì ba chúng con qua đời, vừa lo cho chúng con và ông bà ở quê lại không biết tương lai sẽ nương tựa vào đâu nên rất mất bình tĩnh", Tuyết Lam kể lại.

Nụ cười đã trở lại trên gương mặt nhiều bạn nhỏ vì có “Mẹ đỡ đầu”

Biết được hoàn cảnh của gia đình khi thời gian đó thường xuyên đưa đồ tiếp tế tới khu dân cư, chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã cùng một số chị em trong tổ chức Hội đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, thực phẩm, vật dụng... giúp các cháu nhỏ ổn định cuộc sống, duy trì việc học, động viên mẹ các cháu rồi trở thành “Mẹ đỡ đầu” của 3 chị em.

"Từ lần đầu tiên gặp các con tới giờ, tôi có bận hơn, ngoài việc chăm lo cho gia đình, đảm bảo công việc, tôi dành ra thời gian hỏi han, động viên các con việc học hành, vận động các nhà hảo tâm để có gạo, thực phẩm, sách vở, quần áo lo tụi nhỏ", chị An nói.

Đó là một trong số 101 câu chuyện về các cặp Mẹ - Con tiêu biểu đến từ 39 tỉnh, thành Hội trong sự kiện "Trại hè Hoa hướng dương" diễn ra vào đầu tháng 6/2023 được nhiều người biết tới. Đây là dịp để các con được nhận đỡ đầu của chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động giao lưu, tương tác trực tiếp với các bạn, các anh, các chị ở khắp mọi miền Tổ quốc. 

Trong tháng 11 này thôi, cháu Vũ Thanh Hiền (sinh năm 2013, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cũng được Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi. "Có thêm các mẹ con vui lắm! Có các mẹ đỡ đầu, bà nội con cũng bớt vất vả lo cho con", cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ rớm nước mắt.

Chính thức phát động từ tháng 10/2021, chương trình “Mẹ đỡ đầu” với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồi côi do COVID - 19, trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện. Sau 02 năm triển khai, đến nay chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19. 

Để có được con số ấn tượng đó, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở là cầu nối trực tiếp đẩy mạnh việc kết nối, vận động các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trong vào ngoài nước phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng chương trình, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

 Các cặp Mẹ - Con tham gia sự kiện "Trại hè Hoa hướng dương" diễn ra vào đầu tháng 6/2023

Tại Trung ương Hội, mạng lưới nữ lãnh đạo là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khối bộ/ngành, các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội đồng loạt hưởng ứng. Đặc biệt, qua kết nối của Trung ương Hội, đến nay, đã có 34 "Mẹ đỡ đầu" tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, ngay sau khi phát động chương trình, nhiều tỉnh/thành Hội hưởng ứng sớm, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm “Mẹ đỡ đầu” với nhiều cách làm sáng tạo. Chẳng hạn như: Tỉnh Đồng Tháp thành lập các tổ/nhóm mẹ/câu lạc bộ tự nguyện phân công luân phiên chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi do COVID-19 và trẻ mồ côi do nguyên nhân khác; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bảo trợ cho trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19 đến năm 18 tuổi; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương vận động các nữ doanh nhân thuộc Hội nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ cho trẻ mồ côi do COVID-19 (từ 1 đến 16 tuổi); Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hoá thành lập nhóm “Mẹ đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi” (với Ban quản lý từ 3-5 người để điều phối, phân công nhiệm vụ trong nhóm), xây dựng các mô hình “Nuôi lợn nhựa”, “Tổ tiết kiệm, tín dụng” nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu...

Các cấp Hội cũng tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền quán triệt, thống nhất chủ trương và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hưởng ứng chương trình; kết nối với các trường học nhận đỡ đầu các con mồ côi đang học tập tại trường; giao chỉ tiêu kêu gọi, vận động nguồn lực đối với mỗi cán bộ Hội và cơ sở Hội; kết nối doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân và con em xa quê... hưởng ứng, hỗ trợ chương trình. 

Lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, bên cạnh hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng các con mồ côi phù hợp với độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khoẻ, tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...; hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc giữa "Mẹ đỡ đầu" và các con, nhắc nhở trẻ học tập, hướng dẫn làm việc nhà... tạo điều kiện để các con được phát triển trong môi trường gia đình và cộng đồng.

Trung ương Hội đang trong thời gian xây dựng phần mềm "Mẹ đỡ đầu" nhằm theo dõi, quản lý thông tin chương trình, thí điểm thử nghiệm ở một số địa phương. Nhiều tỉnh/thành Hội đã thiết lập và mã hoá hồ sơ chương trình theo đơn vị cấp huyện, đảm bảo việc theo dõi được số lượng, tình trạng của trẻ và các nguồn lực hỗ trợ… Đồng thời, các tỉnh/thành Hội cũng đã chú trọng đẩy mạnh việc kết nối các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp các tổ chức thành viên, các tổ chức phi chính phủ để huy động nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng, với phương châm "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau", để bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, thông qua chương trình, cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn bước sang trang mới./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực