Hà Giang: Khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo

Thứ năm, 24/06/2021 10:06
(ĐCSVN) - Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới ở cực Bắc nước ta, với dân số trên 85 vạn người, có 19 dân tộc anh em sinh sống; với diện tích tự nhiên 7.945 km2, địa hình chủ yếu là núi đá hiểm trở nên việc phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên những năm qua nhờ sự nỗ lực vươn lên, công tác giảm nghèo tại địa phương đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn - một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Giang cho biết: Để làm tốt và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nhiều năm qua Hà Giang đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo lộ trình hàng năm và cả giai đoạn. Ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới.

Ngoài nguồn lực từ ngân sách, việc huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tăng cường tiếp xúc và vận động, tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội cơ bản…với “chìa khóa” là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chương trình giảm nghèo.

Theo đó, thông qua công tác tuyên truyền, các đơn vị chuyên trách của địa phương đã phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo và tổ chức thực hiện sâu rộng, đồng bộ từ các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân; với hình thức tổ chức thực hiện tuyên truyền phong phú, các gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình giảm nghèo thành công của các địa phương, cộng đồng và người nghèo đã tạo hiệu ứng khích lệ, lan tỏa. Đặc biệt, các chương trình phát thanh về chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước tại các chợ phiên vùng cao bằng tiếng phổ thông cũng như tiếng dân tộc thiểu số thu hút được rất nhiều đồng bào quan tâm. Công tác tuyên truyền đã góp phần thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

Được biết, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ở Hà Giang là 8.225.928 triệu đồng. Từ các nguồn vốn trên, Hà Giang đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn.

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Giang thực tế kiểm tra hộ nghèo tại thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn.

Địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất với 178.969 triệu đồng hỗ trợ được trên 258.000 lượt hộ chủ yếu các nội dung hỗ trợ như: giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư, vật liệu các loại, xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi.... Qua triển khai, thực hiện đã tạo được chuyển biến về nhận thức và tập quán sản xuất của đồng bào theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; tạo điều kiện cho các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu; cung cấp công cụ sản xuất, vật tư, giống mới, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững vùng dân tộc và miền núi. Đồng thời địa phương đã tích cực nhân rộng mô hình giảm nghèo kết hợp đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, phát triển thành các phong trào giảm nghèo sôi nổi trên toàn tỉnh...

Từ những nỗ lực trên, giai đoạn 2016 – 2020, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của tỉnh Hà Giang đã đề ra. Đến nay, có 8 huyện nghèo của Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và có 7 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ...

Tỷ lệ hộ nghèo từ 43,65% (2016) đến nay giảm xuống còn 22,29%, giảm 21,36% so với đầu năm 2016 (bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 4,27% ). Trong đó, 6 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 33,51%, giảm 30,52% so với đầu năm 2016 (bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 6,1%)…đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua, đồng chí Sùng Đại Hùng cho biết: Chúng tôi luôn xác định, giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mới có thể thành công. Vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình giảm nghèo; vì vậy, chúng tôi tập trung các phương pháp để khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giảm nghèo, thường xuyên tổ chức các hình thức truyền thông về giảm nghèo đa dạng, phù hợp để chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước đến được với người nghèo; phát hiện kịp thời, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

“Năm 2021, do Chính phủ vẫn thực hiện chuẩn nghèo đang áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, dự kiến năm 2022 sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 (1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị), tăng 2,1 lần so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Dự kiến đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang chiếm trên 38%. Do vậy, giai đoạn này, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều (tiếp tục duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân  4%/năm trở lên, trong đó huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm trở lên); hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Các hộ thoát nghèo, ngoài đạt được chuẩn thu nhập theo quy định của Chính phủ, phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản” – đồng chí Sùng Đại Hùng chia sẻ về công tác giảm nghèo của địa phương trong giai đoạn tới đây../

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực